“Tiếp sức” khởi nghiệp cùng thanh niên

11/10/2023 - 06:01

 - Thanh niên khởi nghiệp là những người trẻ dám dấn thân, dám chấp nhận rủi ro và mạnh mẽ đứng lên sau những thất bại. Trên hành trình ấy, “bệ đỡ” mà họ cần chính là sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn.

Dự án khởi nghiệp của thanh niên sẽ tiến gần đến thành công khi được “tiếp sức”

Tại An Giang, nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang) được sự cam kết hỗ trợ 10 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Năm 2018 đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã cấp 2 tỷ đồng. Nguồn quỹ hỗ trợ cho đối tượng là thanh niên lứa tuổi từ 18 - 35, mức hỗ trợ 80 triệu đồng cho 1 dự án. Với thanh niên làm chủ doanh nghiệp (DN), mức hỗ trợ tối đa là 200 triệu đồng cho 1 dự án. Đến tháng 9/2023, nguồn quỹ này đã hỗ trợ cho 84 cá nhân và DN, với tổng số tiền giải ngân trên 6,2 tỷ đồng.

Trong đó, nổi bật là 10 dự án đổi mới sáng tạo: Trồng dưa lưới, rau thủy canh công nghệ Nhật Bản của Nguyễn Thị Diệu Thu tại TX. Tịnh Biên; ứng dụng công nghệ cao và sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP của Hồ Thị Yên Vi tại TP. Long Xuyên; trồng và sản xuất các sản phẩm từ dâu tằm của Nguyễn Ngọc Thái tại huyện Phú Tân; ươm nuôi và kinh doanh cá bảy màu (Guppy) của Nguyễn Thứ Lễ tại TP. Long Xuyên; quà lưu niệm khắc laser của Nguyễn Vũ Linh tại TX. Tịnh Biên; trồng nấm rơm công nghệ mới của Nguyễn Hoàng Ngọc Yến tại huyện Phú Tân...

“Nhìn thấy những khó khăn mà các bạn trẻ khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục phê duyệt đề án thành lập cửa hàng “Cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương” với mong muốn tất cả mọi người sẽ ủng hộ hoạt động khởi nghiệp và cách đơn giản nhất là sẽ sử dụng những sản phẩm do chính thanh niên tạo ra. Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương là mô hình được hình thành dựa trên tình hình thực tế ở An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Đó là những sản phẩm khởi nghiệp không thể thương mại hóa và khó khăn trong việc tìm đầu ra. Hàng năm, trung tâm tham gia trên 10 hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để kết nối, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên An Giang đến với các nhà cung cấp, người tiêu dùng” - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp An Giang Trương Thanh Thúy cho biết.

Theo chị Thúy, khởi nghiệp không đòi hỏi một sản phẩm hoàn toàn mới mà cốt lõi là sự “đổi mới”, kiên nhẫn học hỏi những tấm gương thành công trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi, từ đó cải tiến để tạo ra những sản phẩm khởi nghiệp nổi trội hơn sản phẩm cũ, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Đối tượng tiềm năng trong các hoạt động khởi nghiệp là thanh niên. Vì thế, Tỉnh đoàn luôn tiên phong trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp, không ngại trong việc học hỏi hay tiếp thu các chính sách, định hướng đã thành công của các đơn vị bạn và mang về điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế tỉnh nhà.

Là chủ một cơ sở thủ công mỹ nghệ chuyên làm tranh gỗ, Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1994, ngụ TX. Tịnh Biên) là gương điển hình cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Cơ sở của tôi được thành lập từ năm 2019, vượt qua những khó khăn ban đầu, cơ sở đã vào nền nếp và đang phát triển tốt. Nắm bắt nhu cầu sản phẩm quà tặng trên thị trường, tôi sáng tạo sản phẩm quà tặng, logo lưu niệm, văn phòng phẩm từ gỗ.

Được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang hỗ trợ vốn, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị. Nhờ đó, từ chỗ chỉ bán vài sản phẩm lúc khởi nghiệp, đến nay tôi đã lập xưởng bán hàng với doanh thu ổn định hàng tháng. Hiện, tôi đang nghiên cứu và làm các sản phẩm về hoa lá sấy khô. Theo tìm hiểu, tuổi thọ của những bông hoa sấy khô khoảng 20 năm, cánh hoa mềm mỏng như thật. Khi sản phẩm được tung ra thị trường, tôi nghĩ đây sẽ là sản phẩm lưu niệm thu hút khách hàng” - Vũ Linh bộc bạch.

“Tuy có nhiều điều kiện, tiền đề khởi nghiệp, song cần nhìn nhận thực tế con đường khởi nghiệp của thanh niên vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Đó là lực lượng khởi nghiệp đa phần là thanh niên nông thôn nên trình độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật chưa nhạy bén, nắm bắt xu hướng chưa kịp thời. Một số thanh niên chưa thật sự có nhiều sáng tạo trong quá trình sản xuất.

Các dự án được hỗ trợ là các dự án mang tính chất lập nghiệp và không nhiều dự án về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành đối với các hoạt động khởi nghiệp của tỉnh chưa thật sự rõ ràng” - chị Thúy chia sẻ.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các hoạt động sáng tạo trẻ, nhất là trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh, thiếu niên, đoàn viên, những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tập huấn về đổi mới sáng tạo, tham quan mô hình tiêu biểu, giới thiệu, xúc tiến thương mại nhiều mô hình, nhiều dự án khả thi. Qua đó, giúp nhiều bạn trẻ phát huy khả năng để làm ra những sản phẩm phục vụ cho xã hội một cách hiệu quả nhất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

PHƯƠNG LAN