“Trùm” buôn lậu Mười Tường bị đề nghị mức án từ 7 đến 9 năm tù

17/02/2022 - 15:23

 - Sáng 17-2, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, sinh năm 1969) và 4 đồng phạm cùng về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tại toà, Hạnh liên tục kêu oan, trong khi các bị cáo khác đều thành khẩn nhận tội và khẳng định là Hạnh là chủ mưu.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên toà

Trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, căn cứ vào lời khai của các bị cáo Phạm Thanh Sang (sinh năm 1982); Hồ Tuấn Linh (sinh năm 1981); Nguyễn Văn Lê (sinh năm 1984); Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1991) cùng ngụ tại xã Đa Phước, huyện An Phú (tỉnh An Giang) đều thừa nhận vận chuyển tiền cho Hạnh. Riêng Hạnh không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai các bị cáo khác và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định Hạnh là người tổ chức, chỉ đạo Sang, Linh, Lê, Minh vận chuyển trái phép số tiền trên về Việt Nam.

Lời khai của Hạnh tại cơ quan điều tra, cũng như tại tòa là nhằm muốn trốn tránh trách nhiệm hình sự. Bằng việc kiểm tra chứng cứ công khai tại tòa kết hợp tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ kết luận các bị cáo có hành vi vận chuyển trái phép 470.000 USD (gần 11 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam theo sự chỉ đạo của Hạnh.  

Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa, hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Việc vận chuyển tiền tệ qua biên giới là có liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế của nhà nước nên mọi hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới đều phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Những hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới trái pháp luật xâm phạm đến việc giữ gìn trật tự về quản lý kinh tế của nhà nước thì sẽ bị xử lý nghiêm.

“Đây là vụ án có tính chất rất nghiêm trọng thể hiện ở hành vi và thủ đoạn phạm tội của các bị cáo, xác định đây là vụ án có đồng phạm, nhưng chỉ mang tính chất giản đơn không có sự phân công vai trò, các bị cáo làm thuê cho Hạnh đã nghe theo sự chỉ đạo của Hạnh. Về vai trò của các bị cáo, bị  cáo Hạnh có nhân thân xấu, từng có tiền án về tội buôn lậu nhưng sau đó bị cáo về địa phương không ăn năn hối cải mà vẫn bất chấp pháp luật, lợi dụng sự quản lý không chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới của các cơ quan chức năng để chỉ đạo các bị cáo khác vận chuyển số lượng lớn tiền trái phép qua biên giới nhằm thu lợi. Bị cáo là người chủ mưu vai trò chính trong vụ án. Hành vi của bị cáo  ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Ngân hàng nhà nước trong việc quản lý ngoại hối nên cần có mức án nghiêm nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Còn các bị cáo còn lại là người làm thuê cho Hạnh, biết việc làm sai nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo Hạnh và giữ vai trò người thực hành, giúp sức nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm đồng phạm với vai trò ngang nhau” - đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm.

Từ những cơ sở trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hạnh mức án từ 7-9 năm tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị tuyên phạt các bị cáo Sang, Minh, Lê, Linh mỗi bị cáo 5-6 năm năm tù cùng về tội danh trên. Đối với người tên Cốp, Tuot, ở Campuchia, nên cơ quan điều tra không có cơ sở để xác minh xử lý theo quy định.

Riêng, đối với Trần Hoàng Yên, Nguyễn Thị Thu Hà, Mai Thị Ngọc Phấn, Lê Thị Bạch Vân, Nguyễn Tường Cẩm Tú, cơ quan điều tra cũng chưa đủ cơ sở xác định đồng phạm với Hạnh trong việc tham gia vận chuyển trái phép 470.000 USD. Tuy nhiên, những người này cùng với bị can Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Lê đã bị khởi tố điều tra về tội buôn lậu trong vụ án khác cũng có liên quan đến Hạnh, nên không đề cập xử lý thêm.

Cũng trong phần tranh luận, ba luật sư bào chữa cho bị cáo Hạnh cho rằng còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để công an điều tra bổ sung.  

Phản bác lại những ý kiến phía luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: Đến thời điểm này, có đủ căn cứ buộc tội với các bị cáo, bởi lẽ đây là vụ án truy xét, từ vụ việc phát hiện ngày 24-6-2019. Đây là vụ việc được phát hiện và xử lý theo thủ tục hành chính, không xác định được chủ phương tiện. Đến 2 năm sau, các bị cáo khai nhận hành vi vi phạm, phù hợp với thời gian, địa điểm, cách thức và phương tiện gây án.

Quá trình điều tra, xét hỏi tại phiên tòa các bị cáo tự nguyện khai báo, không ai ép buộc thì lời khai này được xem là chứng cứ. Về biên bản hành chính thì có sai sót nhưng không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bởi không làm thay đổi sự thật khách quan của vụ án…

Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo: Sang, Linh, Lê, Minh đều tỏ ra ăn năn hối lỗi và mong toà xem xét giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm về chăm lo cho gia đình. Riêng bị cáo Hạnh vẫn một mực cho rằng mình bị oan và mong Hội đồng xét xử cứu xét.

Sau phần nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 23-2.

DUY ANH