10 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012

05/10/2021 - 05:36

 - Qua 10 năm triển khai Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, khu vực kinh tế trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần nâng cao đời sống người dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Việc phát triển các hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo chuyển biến tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội huyện miền núi Tri Tôn

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, thời gian qua, chính quyền địa phương, các phòng, ban của huyện Tri Tôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là các HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ đó, thúc đẩy công tác chuyển đổi, củng cố, phát triển số lượng và chất lượng các HTX trên địa bàn huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tri Tôn có 22 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, 1 HTX giao thông - vận tải. Tổng doanh thu bình quân của các HTX ước thực hiện năm 2021 là hơn 27 tỷ đồng, tổng lợi nhuận bình quân 2,1 tỷ đồng. Số thành viên trong các HTX hiện nay khoảng 490 người lao động làm việc thường xuyên là 415 nguời. Những người tham gia lao động trong các HTX chủ yếu làm việc theo thời vụ, không có hợp đồng lao động. Đa số lao động là lao động tại địa phương, chủ yếu lao động chân tay dựa trên kinh nghiệm tích lũy của bản thân. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX năm 2021 từ 45-50 triệu đồng.

Dự kiến trong năm 2022, huyện Tri Tôn sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của HTX nông nghiệp Vĩnh Gia để liên kết với Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao An Giang nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho chăn nuôi bò và nuôi gia công bò sữa. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Ô Lâm Bùi Xuân Điện cho biết, một trong những ưu thế khi nông dân tham gia HTX là các thành viên sẽ được cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp với giá hợp lý cùng với nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, HTX còn chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên với giá có lợi nhất. Ngoài ra, các thành viên còn được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái… giúp người nông dân từng bước nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất… góp phần nâng cao năng suất cây trồng, thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện.

Bên cạnh sự phát triển của các HTX, hiện nay, trên địa bàn huyện Tri Tôn còn có 48 tổ hợp tác với sự tham gia của 600 thành viên. Doanh thu bình quân mỗi năm của các tổ hợp tác khoảng 480 triệu đồng, lợi nhuận bình quân ước đạt 120 triệu đồng/năm. Trên địa bàn huyện hiện nay có 23 trang trại, trong đó có 2 trang trại tổng hợp, 14 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi.

Theo UBND huyện Tri Tôn, có được kết quả tích cực trên, địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác nhằm bố trí cán bộ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể của huyện. Bên cạnh đó, huyện Tri Tôn đã ban hành các chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân tham gia phát triển HTX kiểu mới, đặc biệt là các xã nông thôn mới và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới...

Ngoài ra, huyện Tri Tôn còn tập trung tìm các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển HTX. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong việc hỗ trợ các HTX, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Địa phương còn lập kế hoạch sử dụng quỹ đất công (do địa phương quản lý) hoặc đất chưa sử dụng, tạo quỹ đất sạch cho HTX thuê để sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, xây dựng cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với HTX nông nghiệp theo quy định. Đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước về nhân lực, phát triển sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ vào sản xuất...

Hiện nay, mặc dù việc phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX còn có những hạn chế, như: số lượng tăng, nhưng tỷ lệ hoạt động trung bình, yếu chiếm tỷ lệ còn cao. Nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; năng lực nội tại yếu, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước... Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã dẫn đến sản phẩm tiêu thụ chậm, doanh thu, thu nhập của các HTX và thành viên giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc phát triển các HTX theo Luật HTX năm 2012 có đã có những tín hiệu đáng mừng, cho thấy HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ĐỨC TOÀN