(Ảnh minh họa)
Tính từ 18 giờ ngày 27-2 đến 6 giờ ngày 28-2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19. Đến nay tổng cộng vẫn có 2.432 bệnh nhân, trong đó 1530 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 837 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 653 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (năm ca), Bắc Giang (hai ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (hai ca), Hà Giang (một ca), Điện Biên (ba ca), Bình Dương (sáu ca), Hải Phòng (bốn ca ), Hưng Yên (hai ca).
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 63.054 người, trong đó có 555 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 12.218 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 50.281 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.844 bệnh nhân Covid-19.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 32 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 50 ca, số ca âm tính lần 3 là 100 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có đến 82,5% không có biểu hiện lâm sàng; số biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay, bệnh nhân đã được chỉ định ECMO (tim phổi ngoài màng cơ thể) từ nhiều ngày nay.
Trường hợp nặng khác là BN1823 đang chạy ECMO ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nhưng hy vọng tăng lên so với trước.
Về vấn đề triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZenaca, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định, Bộ Y tế đang cùng với Bộ Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đang đánh giá toàn bộ chất lượng lô xuất xưởng này. Do đó, có thể thời gian tiêm sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu, tuy nhiên nguyên tắc chung là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả sử dụng vaccine với người dân.
"Các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, chắc chắn. Vaccine được đưa ra tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vaccine AstraZeneca được Việt Nam nhập về là một trong hai vaccine được WHO cấp phép trên phạm vi toàn cầu. Đây là cơ quan lớn nhất về mặt chuyên môn đánh giá về độ an toàn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Hiệu lực, mức độ bảo vệ của vaccine này khá tốt, sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều quan trọng là 100% các trường hợp được tiêm vaccine này được bảo vệ không tiến triển nặng hơn.
Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với tất cả các đơn vị, triển khai chiến dịch tiêm ngừa trên quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay. Với khoảng 100 triệu liều được tiêm trong năm 2021 là một thách thức rất lớn. Theo Bộ trưởng, trước đó, với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vaccine sởi-rubella, nước ta đã mất hàng tháng mới hoàn thành. Vì thế, lần này Bộ Y tế huy động tất cả các bộ ngành, để tăng độ bao phủ tiêm vaccine đối phó với nguy trước mắt của dịch Covid-19.
Theo LAM NGỌC (Báo Nhân Dân)