Trong cuộc đời, chúng ta không thể tránh khỏi những sai sót, những quyết định nông nổi, những hành động dại dột mà chắc chắn sau này, chúng ta đều sẽ hối hận mỗi khi nghĩ tới. Đó có thể là một lần nóng giận mà lớn tiếng cãi nhau với cha mẹ, trong lúc vội vàng đã bất cẩn đánh rơi một vật giá trị, làm thất lạc một vật ý nghĩa…
Tuy nhiên, có những điều hối tiếc có thể nguôi ngoai hoặc bù đắp theo thời gian, cũng có những việc chẳng thể nào thay đổi được.
Đối với những người đã, đang và sắp già đi, có 3 sai lầm sau đây sẽ khiến họ băn khoăn, day dứt nhất. Nếu có thể, bạn hãy tránh xa ngay từ khi còn trẻ.
Ít gần con cái
Khi hỏi những người già điều gì khiến họ hối hận nhất, có lẽ câu trả lời chính là: Không gần gũi với con cái. Ngày xưa, khi còn trẻ, họ dành quá ít thời gian cho con cái, lúc nào tất bật kiếm tiền bên ngoài. Sự nghiệp và cuộc sống bộn bề khiến người trưởng thành cứ mải miết lao vào những guồng quay vội vã.
Ban đầu, họ chỉ "nợ" con những bữa cơm gia đình. Dần dần, họ "nợ" thêm những buổi cuối tuần đã hẹn sẽ đi chơi, những buổi tối đáng lẽ phải cùng con học bài, lắng nghe cuộc sống hàng ngày của con, dành thời gian nói tiếng "Chúc con ngủ ngon".
Đến sau này, khi mà con cái đã lớn lên, cha mẹ đã già đi, vai trò của hai bên lại đảo ngược. Các con cũng quen với việc tất bật kiếm tiền, chẳng thể về thăm nom cha mẹ thường xuyên được nữa.
Thế nên khi trẻ con nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên bầu bạn, ở bên cạnh con. Khi cha mẹ về già, con cái cũng như chim về tổ, thường về quê thăm cha mẹ. Thời gian bên con cái lúc còn trẻ trôi qua rất nhanh, đừng để sau này phải hối tiếc khi bỏ qua quãng thời gian nhìn con khôn lớn.
Không chú ý đến sức khỏe
Người ta nói rằng tuổi già là tuổi để hưởng phúc, bởi lúc đó con cái đã lập gia đình, tài sản tích cóp được kha khá, lại có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Với những người có thân thể khỏe mạnh, tinh thần tích cực, họ bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch, thăm thú khắp nơi, dành thời gian kết giao bạn bè, ôn lại tình nghĩa năm xưa với những người quen cũ…
Tuy nhiên, có nhiều người không thể làm như vậy. Cho dù sở hữu nhiều thời gian, nhiều tiền bạc hơn nữa, họ cũng chẳng thể sum vầy bên con cái, tận hưởng khoảng trời riêng mà thay vào đó, họ phải xem bệnh viện như là nhà. Lý do là bởi lúc còn trẻ không biết quý sức khỏe của mình, giờ cả người đều đau yếu, chỉ có thể nằm trên giường bệnh, muốn đi xuống dạo quanh mọi nơi cũng khó vô cùng.
Người ta thường nói, sức khỏe là cái vốn của con người. Sức khỏe là thứ không có một tài sản nào có thể đánh đổi được. Tiền hết thì còn kiếm lại được, nhưng sức khỏe không còn thì cuộc sống cũng biến mất.
Đừng bao giờ bán sức khỏe để lấy tiền bạc. Bởi có nhiều tiền đến đâu, không có sức khỏe thì chỗ tiền đó cũng chỉ dùng để chi trả viện phí, cuộc sống chẳng thể nào hạnh phúc nổi.
Ly hôn ở tuổi trung niên
Đối với người cao tuổi, "kẻ thù" lớn nhất của họ chính là nỗi cô đơn. Dựa theo một nghiên cứu vào năm 2014, đa số họ cảm thấy bị cô lập do nhiều nguyên nhân như: họ trở nên yếu đi, đi đứng khó khăn, không còn có "tiếng nói" trong gia đình, nghỉ hưu, mất đi người thân/ bạn bè, phụ thuộc vào con cái, người thân/ bạn bè chuyển đi nơi khác sinh sống…
Nỗi cô đơn bủa vây khiến họ nhận ra rằng, khi có hạnh phúc, vợ con đề huề nhưng bản thân lại không biết trân trọng. Chỉ vì phút sai lầm nhất thời mà phải đánh mất đi thứ quan trọng nhất.
Cũng có gia đình ly hôn ở tuổi trung niên, lý do là hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau, chẳng thể chung sống được nữa nên chia tay. Tới tuổi già thì mới nhận ra, không có người bạn đời bên cạnh lúc ốm đau, khỏe mạnh, lúc buồn vui chính là cô đơn nhất.
Ý nghĩa của hôn nhân là sự san sẻ và đồng hành cùng nhau, từ khi còn trẻ tới lúc bạc đầu. Cùng nhau nấu ăn, cùng nhau đi dạo, cùng sinh hoạt ngủ nghỉ, dù đi tới đâu cũng không cảm thấy cô đơn. Nhưng khi đã mất đi một nửa của cuộc đời, bạn chỉ có thể làm mọi thứ một mình.
3 điều trên đây đều là những "vết sẹo" không thể tự xóa mờ. Chỉ khi nếm trải những kết quả tồi tệ thì chúng ta mới hối hận, nhưng đã chẳng thể nào thay đổi được nữa.
Do đó, dù chúng ta ở vào hoàn cảnh nào cũng cần nhớ rằng: Trong cuộc sống, dù tiếc nuối có nhiều nhưng hạnh phúc cũng không thiếu. Thay vì cứ đắm chìm trong những điều tiếc nuối, hãy theo đuổi hạnh phúc nhiều hơn vì cuộc đời sẽ có nhiều niềm vui mới.
Theo VTC