Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 30 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được sự chỉ đạo và quan tâm rất lớn của Ðảng và Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể. Ðến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hàng loạt các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng khắp, đa dạng và hiệu quả như: cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, thành phố; phát bao cao-su miễn phí tại 55 tỉnh, thành phố; thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh, thành phố cho hơn 52 nghìn người bệnh; điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 13 nghìn khách hàng trong ba năm gần đây... Cả nước đã có hơn 1.200 phòng xét nghiệm sàng lọc, bao phủ 100% số huyện và 170 phòng xét nghiệm khẳng định HIV, bao phủ 100% tỉnh, thành phố. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng kiểm tra kết quả nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Người bệnh HIV được quản lý sức khỏe và tư vấn sử dụng thuốc kháng vi-rút tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Công tác điều trị kháng vi-rút (ARV) ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Hiện nay, các cơ sở y tế đã và đang điều trị cho hơn 150 nghìn người bệnh HIV (76% số người biết tình trạng nhiễm HIV của mình được tiếp cận với chương trình điều trị ARV) tại 446 cơ sở điều trị và 652 cơ sở cấp phát thuốc. Nhiều mô hình đã được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả điều trị như mô hình kết hợp vừa điều trị thuốc kháng HIV, điều trị phối hợp lao/HIV, xét nghiệm điều trị, cung cấp các can thiệp dự phòng HIV; nhiều mô hình điều trị nhanh trong ngày và cấp phát thuốc trong nhiều tháng được triển khai rộng mở... Ðến nay, tải lượng vi-rút ở người nhiễm HIV dưới ngưỡng ức chế, Việt Nam là một trong bốn nước (cùng với Ðức, Thụy Sĩ, Anh) đạt chỉ tiêu này trên toàn cầu.
Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao. Số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ liên tục giảm từ năm 2012 đến nay. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong bốn năm gần đây đều ở mức dưới 2,5%. Mặt khác, tỷ lệ người bệnh HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế cũng tăng nhanh, từ 50% (năm 2015) lên 91% (năm 2019).
Tỷ lệ người mắc HIV/AIDS giảm, ngày càng được kiểm soát tốt, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS. Bằng các nỗ lực và biện pháp cụ thể, Việt Nam đã duy trì tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% theo đúng mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Từ năm 2007 đến nay, số người nhiễm HIV được phát hiện mới qua từng năm có xu hướng giảm. Nếu như giai đoạn từ năm 2005 đến 2007, trung bình mỗi năm phát hiện mới được hơn 28 nghìn trường hợp nhiễm HIV thì từ 2012 đến nay trung bình mỗi năm phát hiện mới 10 nghìn trường hợp nhiễm HIV. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) thì tính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là nước có số ước tính ca nhiễm mới HIV năm 2018 giảm lớn nhất (64%) so với năm 2010. Số ca nhiễm mới HIV của Việt Nam năm 2018 chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số ca nhiễm mới HIV ước tính cho khu vực này.
Theo TS Ðỗ Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, tuy đã đạt được những thành quả to lớn, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang còn nhiều nguy cơ, thách thức như: HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân mắc bệnh tật và tử vong hàng đầu ở nước ta. Ước tính, Việt Nam hiện có 230 nghìn người nhiễm HIV, đứng thứ tư so với các nước khu vực Ðông - Nam Á. Ngoài ra, mỗi năm vẫn phát hiện thêm 10 nghìn trường hợp nhiễm HIV mới. Các hành vi lây nhiễm HIV gần đây có những diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, lây truyền qua đường tình dục và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng nhanh. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí viện trợ đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp. Ðể đạt được mục tiêu "chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030", trong mười năm tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong. Mở rộng, triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm, phát hiện HIV; nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS. Lập kế hoạch bảo đảm tài chính, phân bổ kinh phí hằng năm theo kế hoạch được duyệt, nhằm bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai.
Chặng đường cuối sẽ là chặng đường gian nan nhất, nhưng Việt Nam sẽ cùng nhau hành động, đoàn kết, giữ vững cam kết không bỏ ai lại phía sau nhằm kết thúc đại dịch AIDS, tiến tới AIDS không còn là một mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững.
Theo THANH MAI (Báo Nhân Dân)