Dụi mắt có thể kích thích dây thần kinh phế vị, giúp giảm nhịp tim và giảm căng thẳng. Dụi mắt thường xuyên lại có thể gây bệnh cho mắt, làm trầm trọng thêm các bệnh hiện có và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Dụi mắt thường xuyên sẽ dẫn đến những hậu quả sau:
Bị bệnh mắt nghiêm trọng
“Dụi mắt thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng giác mạc bị yếu và gây biến dạng giác mạc gọi là keratoconus”, Reader’s Digest dẫn lời giáo sư nhãn khoa Mark Mifflin tại Đại học Utah (Mỹ).
Dụi mắt thường xuyên sẽ gây bệnh cho mắt ẢNH: SHUTTERSTOCK
Dụi mắt thường xuyên gây cọ xát giác mạc, khiến giác mạc mỏng hơn và biến dạng. Nếu những tổn hại quá lớn thì bắt buộc phải ghép giác mạc, giáo sư Mifflin giải thích.
Xước giác mạc
Một sợi lông mi, bụi hay thứ gì đó lọt vào mắt sẽ gây kích ứng, ngứa và khiến chúng ta dụi mắt. Trên thực tế, mọi người không nên dụi mắt vì làm thế có thể khiến tình hình tệ hơn.
Dụi mắt làm cọ xát giác mạc, có thể khiến giác mạc bị trầy xước. Thông thường, trầy xước giác mạc sẽ khỏi chỉ 1 hoặc 2 ngày, Tuy nhiên, nó cũng thể gây lở loét giác mạc, theo Mayo Clinic.
Thay vì dụi khi có vật lạ lọt vào mắt, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên dùng nước sạch hay nước muối sinh lý để rửa mắt.
Khiến bệnh tăng nhãn áp thêm nặng
Tăng nhãn áp là tình trạng mà chất lỏng tích tụ trong mắt, có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Cuối cùng là mù lòa. Dụi mắt sẽ khiến tăng nhãn áp thêm nặng, giáo sư nhãn khoa Charles McMonnies tại Đại học New South Wales (Úc) cho hay.
Nguyên nhân vì dụi mắt sẽ làm gián đoạn lưu thông máu đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị lực và làm mù vĩnh viễn, giáo sư McMonnies nói thêm.
Làm cận thị thêm nặng
Trong các loại cận thị có một loại gọi là cận thị thoái hóa. Đây là tình trạng cận thị nặng đi đôi với việc thoái hóa nửa phần sau của nhãn cầu. Việc cọ xát, dụi mắt có thể khiến cận thị ở dạng này thêm nghiêm trọng, theo MSN.
Theo NGỌC QUÝ (Thanh Niên)