IOC đang phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ chính các VĐV, đội tuyển thể thao và Ủy ban Olympic quốc gia khi những nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 vẫn đang làm tất cả để kỳ đại hội này được diễn ra theo đúng kế hoạch (từ 24-7 đến 9-8), bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp thế giới.
EURO 2020 đã bị hoãn lại một năm
Thái độ phản ứng của giới thể thao càng trở nên gay gắt hơn sau khi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) quyết định dời vòng chung kết EURO 2020 – kết thúc chỉ nửa tháng trước lễ khai mạc Olympic 2020 – sang tận mùa hè năm sau. Mùa giải bóng đá tại châu Âu đang bị đình trệ bởi dịch bệnh lan tràn tại nhiều quốc gia, khó có thể kết thúc trước khi vòng chung kết EURO 2020 khởi tranh.
IOC sẽ quyết định việc hoãn Olympic 2020 sau 4 tuẩn nữa
Tại phiên họp khẩn hôm 22-3, IOC đã xem xét ba "kịch bản" về Olympic 2020: Lùi thời hạn tổ chức Thế vận hội đến mùa thu khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, hoãn Olympic 2020 đến mùa hè năm 2021 hoặc chuyển thời điểm tổ chức sang năm 2022.
Nhật Bản đếm ngược từng ngày đến lễ khai mạc Olympic 2020
Tất nhiên, để đi đến quyết định sau cùng của IOC về việc tổ chức Olympic 2020, người ta vẫn sẽ phải chờ đợi chính kiến từ Chính phủ Nhật Bản. Quốc gia Đông Á này đã đầu tư hơn 35 tỉ euro để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều mảng công việc khác cho việc tổ chức kỳ Thế vận hội mùa hè 2020.
Nhật Bản đã chi hàng chục tỉ euro cho công tác tổ chức Olympic
Sau cuộc họp, đích thân Chủ tịch IOC Thomas Bach đã công bố một bức thư ngỏ tới vận động viên trên toàn thế giới (trích đăng):
"Các vận động viên thân mến,
Trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này, tất cả chúng ta hãy đoàn kết lại. Chúng tôi rất quan tâm đến những gì đại dịch Covid-19 đang gây ra cho người dân khắp nơi. Cuộc sống của con người phải được ưu tiên hơn tất cả và IOC luôn xem đó là nguyên tắc hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe của mọi người đồng thời góp phần ngăn chặn dịch bệnh. IOC cam kết tuân thủ điều này trong tất cả các quyết định có liên quan đến Olympic Tokyo 2020.
Con đường đến Tokyo rất khác nhau đối với mỗi VĐV, đến từ 206 Ủy ban Olympic quốc gia. Nhiều người không thể chuẩn bị tốt cũng như được huấn luyện theo cách thức quen thuộc. Nhiều VĐV đang tập luyện tích cực để biến giấc mơ Olympic thành hiện thực, trong đó, nhiều người đã vượt qua vòng loại, một số người khác thì không.
Vấn đề mà chúng ta chia sẻ là sự không chắc chắn về Olympic Tokyo. Tại thời điểm này, không ai có thể nói đến khi nào cuộc chiến chống đại dịch kết thúc. IOC cũng thế và chúng tôi bắt buộc phải lắng nghe giới chuyên môn, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một VĐV có thể đạt thành công khi không bao giờ buông bỏ ngay cả những cơ hội nhỏ nhất. Cam kết của chúng tôi với Olympic 2020 dựa trên kinh nghiệm này, phải luôn sẵn sàng thích nghi với các tình huống mới, phải nghĩ đến các kịch bản khác nhau và điều chỉnh gần như từng ngày. Mặt khác, IOC có niềm tin rất lớn với Nhật Bản, nơi đang tích cực cho công tác chuẩn bị và có thể tổ chức Thế vận hội với một số hạn chế an toàn nhất định và cũng đặc biệt tôn trọng nguyên tắc bảo vệ sức khỏe của mọi người.
Tuy vậy, chứng kiến sự sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, IOC phải thực hiện bước tiếp theo trong các "kịch bản" đã đưa ra. Nếu đưa ra quyết định cuối cùng về Olympic Tokyo ngay hôm nay, xem ra vẫn còn sớm. Hủy bỏ Thế vận hội sẽ phá hủy giấc mơ Olympic của 11.000 VĐV từ 206 Ủy ban Olympic quốc gia, của các VĐV Paralympic và tất cả những ai liên quan. Hủy bỏ sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề và sẽ không giúp được ai.
IOC cần nghiên cứu thêm các kịch bản khác nhau, cần có sự cam kết và hợp tác đầy đủ của Ban tổ chức Tokyo 2020 và chính quyền Nhật Bản, của tất cả các Liên đoàn quốc tế (IF) và Ủy ban Olympic quốc gia (NOC), các bên liên quan".
Theo ĐÔNG LINH (Người lao động)