50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Giữ 'liêm' - cái gốc của người cán bộ

02/09/2019 - 14:17

Quyết liệt đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng đang được Đảng triển khai mạnh mẽ với những bước đi chắc chắn, bài bản nhằm bóc trần và loại bỏ những "con sâu" đang phá hoại thành quả của cả dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa tròn nửa thế kỷ nhưng những tâm nguyện của Người để lại luôn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trân trọng và quyết tâm, đồng lòng thực hiện, để thỏa lòng mong mỏi lúc sinh thời của Người, xây dựng đất nước ta "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn."

Trong Di chúc, Người "trước hết nói về Đảng," căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn là một đảng Marxist chân chính, "là đạo đức, là văn minh," đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam.

Trong xây dựng Đảng, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng về đạo đức. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân."

Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên sức mạnh quy tụ lực lượng, củng cố và nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.

50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là thời điểm cả nước chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bài 1: Giữ "Liêm" - Trọng trách và bổn phận

50 năm qua, lời căn dặn của Người luôn được lớp lớp các thế hệ con cháu đồng lòng, tận tâm thực hiện. Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt." Gốc rễ là việc rèn rũa, tôi luyện đội ngũ cán bộ "liêm chính," là công bộc, chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Những vụ việc đau lòng

Đầu năm 2019, dư luận rất bức xúc vì vụ lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Cậy thế là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, ông Nguyễn Văn Hòa đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, chứng từ khống để nhận tiền đền bù tại dự án giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến giao thông Thanh Thủy-Hòa Bình. Trong vụ này, ông Hòa cùng các thuộc hạ đã tham ô hơn 40 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân.

Tương tự, lợi dụng thực hiện nhiệm vụ được phân công quản lý, điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Dương Hoàng Nghiệp đã chiếm dụng số tiền hơn 280 triệu đồng của Quỹ cho bản thân mình.

Một vụ việc khác xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận 85 triệu đồng từ người môi giới để làm bệnh án tâm thần giả, giúp đối tượng vi phạm pháp luật trốn tránh trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích.

Gần đây nhất, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình, Trần Thị Thủy và Hoàng Thị Hường đã làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống, nhằm chiếm đoạt hơn 992 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình. Các đối tượng đã nhiều lần rút tiền gửi của Quỹ, nhưng không gửi lại tiết kiệm, không ghi sổ sách kế toán mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đây chỉ là một số trong hàng loạt những vụ việc tiêu cực, tham ô, tham nhũng đã xảy ra thời gian gần đây. Những hành vi tiêu cực len lỏi khắp nơi, trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, từ cấp cơ sở cho đến trung ương, thậm chí cả những cán bộ cấp cao của Đảng cũng vi phạm, đã bị phanh phui, đưa ra ánh sáng cho thấy một sự thật đau lòng. Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên, những người có chức vụ, quyền hạn đã không giữ được thanh liêm, vi phạm nghiêm trọng những quy định của Đảng, Nhà nước trong thực thi công vụ, làm hoen ố thanh danh của chính bản thân, gia đình, cơ quan, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với cơ quan công quyền.

Khi cuộc chiến đấu với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đang được toàn Đảng, toàn dân đồng tâm thực hiện quyết liệt và mạnh mẽ, thì những sai phạm cũng từ đó lần lượt bị phơi bày với đủ những thủ đoạn, toan tính.

Có thể thấy được ở mỗi sai phạm đều có những động cơ, mục đích, phương thức, mánh khóe khác nhau, nhưng một điều tựu chung lại đó đều là những cán bộ có chức, có quyền, có vị trí nhất định trong cơ quan, đơn vị. Họ đều có mẫu số chung là không giữ được liêm chính, đã bị vật chất, lợi ích chi phối, thao túng.

Trên vị trí công tác, họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước trao cho để làm những việc sai trái, vi phạm quy định hòng vun vén, tư lợi cho cá nhân. Tuy không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng những sai phạm này đang từng ngày, từng giờ gặm nhấm, đục khoét vào niềm tin yêu của nhân dân với Đảng.

Nghĩ về chữ 'Liêm' của người cán bộ

Quyết liệt đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng đang được Đảng triển khai mạnh mẽ với những bước đi chắc chắn, bài bản nhằm bóc trần và loại bỏ những "con sâu" đang phá hoại thành quả tốt đẹp của cả dân tộc. Đây là sự tiếp nối thực hiện những lời căn dặn của Bác kính yêu với toàn Đảng, toàn dân.

Người chỉ rõ để Đảng ta thật sự là một Đảng lãnh đạo và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì trước hết cán bộ, đảng viên phải thực hành đoàn kết và thanh khiết. Chính vì lẽ đó, trong những phẩm chất cần có của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chữ 'Liêm.'

Chữ 'Liêm' theo Người là liêm khiết, không tham lam, vơ vét của công và của dân, “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình."

Từ lúc Đảng chưa ra đời, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh," Bác đã yêu cầu người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất."

Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền thì chữ 'Liêm' càng quan trọng, bởi nếu thiếu nó thì cán bộ “biến thành sâu mọt của dân." Vì vậy, sau cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết."

Người cán bộ liêm khiết là làm việc trung thực với lương tâm, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Người Liêm tận tậm với công việc, không màng tiền tài địa vị, không hư vinh, hư danh. Họ có lòng tự trọng, biết xấu hổ khi có suy nghĩ, hành động sai trái, kiên quyết không bắt tay hay thỏa hiệp cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Thẳng thắn tự phê bình, Đảng ta chỉ rõ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có một bộ phận không nhỏ đã bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, tham nhũng, quan liêu, nghiêm trọng hơn là “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”… Suy cho cùng những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu xảy ra đều có nguyên nhân từ sự bất liêm, vô cảm khi làm những điều không tốt.

Trong bài “Cần Kiệm Liêm Chính” viết tháng 6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiều biểu hiện của sự bất liêm như: cậy quyền, cậy thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư, người có tiền cho vay cắt cổ, hoặc dìm người giỏi để giữ địa vị, hoặc gặp việc khó thì không dám làm...

Sự bất liêm nảy sinh từ nhiều lẽ. Đó là những cám dỗ đời thường, ham tiền bạc, địa vị, danh vọng như người nọ, người kia trong xã hội, gây bè dựng cánh vì những toan tính cá nhân. Người "bất liêm" sẽ tìm mọi cách để xoay xỏa, luồn cúi, tận dụng mọi cơ hội, tác động để đạt được ham muốn một cách nhanh nhất. Thủ đoạn thì muôn vàn, nhưng đều có điểm giống nhau là xem thường đạo đức, liêm sỉ, miễn sao đạt được mục đích của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23-5-1957. (Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khi nói về tư cách của người cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật."

Do đó đối với cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên “để giúp công việc chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là "cần, kiệm, liêm, chính."

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao công tác cán bộ, Người khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc"; "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém…"

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, trước thềm Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, việc sàng lọc, lựa chọn những cán bộ vừa có đức trong thừa hành công vụ vừa có tài ngang tầm nhiệm vụ, đang là công việc đặc biệt quan trọng được Đảng ráo riết thực hiện.

Mới đây, Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã chỉ rõ: "Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, "cục bộ," "lợi ích nhóm"; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"... Nhìn rộng hơn, những hiện tượng này đều do bất liêm mà ra.-.

Theo QUỲNH HOA (TTXVN/Vietnam+)