Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy cũng đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng sống mãi cùng lịch sử cách mạng Việt Nam. Giờ đây, mỗi độ thu về nghe lại những khúc ca đi cùng năm tháng ấy, chúng ta như được sống lại không khí đấu tranh cách mạng sục sôi của cả dân tộc.
Nghi lễ thượng cờ trên quảng trường được Chính phủ phê duyệt vào 19/5/2001 nhân dịp dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 2022 là năm thứ 21 nghi lễ này được thực hiện. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
“Mười chín tháng Tám” - sục sôi hào khí cách mạng
“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hơn kêu thét
Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung”.…”.
Có thể nói, khí thế tưng bừng của ngày tổng khởi nghĩa 19/8/1945 là chất xúc tác vô cùng quan trọng tạo nên ca khúc “để đời” “Mười chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh. Bài hát được sáng tác ngay trong dòng thác cách mạng của mùa thu lịch sử, là xúc cảm đấu tranh của người dân mới được tự do tạo nên.
Nhạc sĩ Xuân Oanh khi ấy mới 23 tuổi, cùng đồng đội từ phía Nam Hà Nội, tiến thẳng về Quảng trường Nhà hát Lớn trong biển người náo nức, sôi động, hừng hực khí thế cách mạng. Cảm xúc trào dâng, những lời ca và ý nhạc chợt ào ạt đến với người nghệ sĩ. Từ con đường Hàng Bài, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa sáng tác xong. Giữa Quảng trường Nhà hát Lớn trong mùa thu rực rỡ cờ sao, người dân phấn khởi, tự hào, hát vang bài ca vừa được sáng tác: “... Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề: Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.
Bài hát chỉ có 10 câu ngắn gọn, với nhịp điệu hành khúc đậm chất hào hùng, ca từ mộc mạc nhưng sống động, đầy thực tiễn trên đường phố lúc đó, như chứa đựng quyết tâm cao cả, như lời hiệu triệu những trái tim yêu nước Việt Nam vùng lên giành độc lập dân tộc. Vì lẽ ấy, “Mười chín tháng Tám” đã nhanh chóng vượt ra khỏi 5 cửa ô của thủ đô Hà Nội bay đến với đồng bào khắp mọi miền trong cả nước, từ chiến khu Việt Bắc tới vùng kháng chiến Nam Bộ.
Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 nên càng có ý nghĩa sâu sắc và vang vọng mãi trong lòng mọi người.
“Tiến Quân ca” - bài ca thiêng liêng của Tổ Quốc
Bên cạnh ca khúc “Mười chín tháng Tám” hừng hực khí thế, cùng đoàn người từ mọi ngả kéo tới Quảng trường Nhà hát Lớn năm ấy là bản hành khúc “Tiến Quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca …”.
Ra đời năm 1944, khi đất nước sắp bước sang thời kỳ mới, bài hát “Tiến Quân ca” là minh chứng hùng hồn về tháng năm bi tráng, anh dũng của dân tộc. Bài hát như thước phim sống động bằng âm nhạc, được kết tinh từ chủ nghĩa lãng mạn, chất thơ và chất thép trong con người nghệ sĩ Văn Cao. Với “Tiến Quân ca”, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc cách mạng xuất hiện đội quân chủ lực, những đội quân chính quy từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Bài hát được coi là mốc son chói lọi đánh dấu sự toàn thắng của âm nhạc cách mạng về cả tư tưởng lẫn nghệ thuật.
Năm 1946, tại Khóa họp thứ nhất của Quốc hội, bài hát “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca của đất nước. Đây là niềm vinh dự và tự hào mà chưa một tác phẩm âm nhạc nào có được.
77 năm đã trôi qua, ca khúc này càng khẳng định sức sống mãnh liệt, gắn liền với sự kiện trọng đại của dân tộc, trở thành bài ca của cả dân tộc. “Tiến Quân ca” trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp tục vang mãi như lời hiệu triệu non sông, đã và sẽ mãi mãi là tài sản vô giá của dân tộc.
“Lên đàng” - lời hiệu triệu, thúc giục hàng vạn trái tim
Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN
“Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng.
Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài…”.
Bài hát “Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ra đời năm 1944, trong làn sóng đấu tranh cách mạng đang đến hồi cao trào. Với nhịp điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, cùng nét nhạc khỏe khoắn như khơi dậy lòng tự hào, khí thế oai hùng, oanh liệt từ những trận đánh năm xưa trong lịch sử quật cường của dân tộc: “… Kìa gương trung kiên truyền lưu muôn năm lên đàng, kết đoàn hùng tráng/ Danh lừng Bạch Đằng, tiếng vang Chi Lăng, đồng tâm noi dấu anh hùng...”.
Và trong những ngày tổng khởi nghĩa Tháng Tám sục sôi, bài hát “Lên đàng” trở thành lời hiệu triệu, thúc giục hàng vạn, hàng chục vạn thanh niên xông lên phía trước.
Nhà văn Trần Bạch Đằng từng nhận xét rằng: ở Sài Gòn và Nam Bộ, có lẽ những người lớn lên và trải qua thời gian sau khởi nghĩa Nam kỳ không ai không thuộc bài hát “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước. Bài hát đã được hàng triệu người đồng ca trên đường phố, trong các cuộc tập hợp. Có lẽ “Lên đàng” là đỉnh cao của âm nhạc yêu nước và chiến đấu, tự nó đã nối kết quần chúng với nhau và nối kết quần chúng với cách mạng. Già cũng hát, trẻ cũng hát, nam nữ cùng hát, khăn đóng áo dài cùng hát, áo choàng linh mục, áo cà sa nhà sư cũng hát. Trong phong trào Thanh niên Tiền phong ở Nam Bộ, tiếng đếm một hai, tiếng tu huýt và bài “Lên đàng” cùng chiếc nón rơm và ngọn tầm vông đã đi vào lịch sử. Có thể nói, Lưu Hữu Phước là nhạc sĩ của công chúng, một nhạc sĩ của hành động chưa có người thay thế ở Việt Nam.
Sau này, bài hát “Lên đàng” được chọn làm ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và ngày nay vẫn vang lên như truyền đến thế hệ trẻ khí thế ngút trời của mùa thu cách mạng năm xưa. Ca khúc cũng là lời hiệu triệu thanh niên đồng lòng nhất trí, góp sức xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ từng mong.
“Hà Nội mùa thu” - gợi nhớ về những ngày tháng sục sôi khí thế hào hùng
Cây bằng lăng bên hồ Hoàn Kiếm bắt đầu vào độ thay lá khi mùa thu về. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
"Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi sao xuyến trong lòng ta…”.
Mỗi khi đất trời vào thu, người dân Việt Nam lại trào dâng những xúc cảm vừa mãnh liệt, vừa tha thiết về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, giống như tình cảm dạt dào mà nhạc sỹ Vũ Thanh đã gửi gắm vào khoảnh khắc đó trong bài ca “Hà Nội mùa thu”. Đây là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sỹ Vũ Thanh, với lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu lịch sử, thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người: "... Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng, nghe gió đưa/ Vang vọng giữa Ba Đình/ Lời Người thu năm ấy/ Màu cờ thu năm ấy/ Vẫn đây xanh trời mây...".
Dẫu là một bản tình ca với giai điệu ngọt ngào, vẻ dìu dặt, mê say chỉ có trong tình yêu, nhưng “Hà Nội mùa thu” lại như sự gợi nhớ sâu lắng về những ngày tháng náo nức, sục sôi, đầy khí thế hào hùng, không thể nào quên của mùa thu cách mạng. Dù bao mùa thu đã trôi qua nhưng sức sống mãnh liệt của Hà Nội - trái tim của Tổ quốc - sẽ mãi mãi tươi đẹp, ngát xanh như cảnh sắc mùa thu nơi đây, như con đường mùa thu Tháng Tám năm nào. Cho đến hôm nay, "Hà Nội mùa thu" của nhạc sĩ Vũ Thanh vẫn còn để lại nhiều bâng khuâng, xao xuyến trong trái tim của hàng triệu người yêu nhạc.
Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 đã trở thành những ký ức không thể nào quên trong tâm trí của người dân Việt Nam. Qua những người nhạc sĩ tài hoa, nhiều khoảnh khắc thiêng liêng, hào hùng đã được ghi lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng, làm lay động trái tim của biết bao thế hệ người Việt. 77 năm đã trôi qua, nhưng những ca khúc cách mạng lay động lòng người ấy vẫn còn vang vọng, vẫn tiếp nối và truyền năng lượng đến các thế hệ trẻ hôm nay, như một niềm tự hào về ông cha.
Theo Báo Tin Tức