Hoàng Châu (thứ 4 từ trái sang) tại cửa hàng túi xách Chautfifth ở BangKok (Thái Lan). Ảnh nhân vật cung cấp
Tốt nghiệp ngành kinh tế ở một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, Trần Hoàng Châu bắt đầu công việc tại một công ty tư nhân với mức lương khá ổn. Song, đam mê về thiết kế, kinh doanh vẫn thôi thúc cô gái ấy phải làm điều gì đấy. Vậy là những suy nghĩ khởi nghiệp bắt đầu hình thành. Túi xách là quyết định tiến sâu khởi nghiệp của Hoàng Châu trong phân khúc thời trang. Nghĩ là làm, Hoàng Châu đã dành thời gian học 1 khóa thiết kế với chi phí 3 triệu đồng.
Hoàng Châu bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 30. Độ tuổi không quá trẻ, nhưng cũng không quá trễ… để có thể nhìn nhận mọi thứ kỹ lưỡng, cẩn thận và chắc chắn. Từ một người lựa chọn khởi nghiệp trái ngành và giúp thương hiệu có chỗ đứng như hiện tại, Hoàng Châu nghĩ đó không phải là ngẫu nhiên. Song, cô cũng cho hay bản thân đã nghiên cứu rất kỹ, học hỏi từng bước để có thể nhận thấy cơ hội và nhanh tay nắm bắt.
Với thiết kế khác biệt, mức giá phổ thông và tính ứng dụng cao, túi xách Chautfifth được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Trình làng thương hiệu túi xách Chautfifth vào tháng 5/2022. Trên nền tảng TikTok, người xem có thể tìm thấy hàng loạt video chia sẻ cảm nghĩ, đánh giá về những chiếc túi mang thương hiệu Chautfifth; trong đó, có những video đạt hàng triệu view mà không cần người có sức ảnh hưởng quảng cáo.
Túi xách Chautfifth đã và đang chứng minh được tầm nhìn, sự độc đáo trong lựa chọn phân khúc bán hàng, cũng như chiến lược marketing. Với giá bán khoảng 800.000 đồng đến hơn 1,3 triệu đồng/sản phẩm, Hoàng Châu xác định, thương hiệu Chautfifth hướng đến những khách hàng cuối thế hệ millenials (những người sinh từ năm 1981 - 1996) và Gen Z (những người sinh từ năm 1997 - 2012). Bởi, họ thích sự khác biệt, mới mẻ, có hiểu biết về thương hiệu cũng như mẫu túi xách mà họ lựa chọn. |
Chỉ mới 2,5 “tuổi”, nhưng túi xách Chautfifth không ngừng vươn xa và khẳng định bản thân. Không chỉ có 8 cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong nước, Chautfifth còn có cửa hàng tại các nước: Thái Lan, Singapore, Myanmar, Hồng Kông… Đây là thành công rất lớn của túi xách Chautfifth, bởi không chỉ khẳng định được tại thị trường trong nước, mà còn tung cánh nhiều nơi ở khu vực Đông Nam Á. Nói đến đây, đôi mắt Hoàng Châu ánh lên vẻ tự hào, truyền nguồn năng lượng rất tích cực cho nhiều sinh viên tham gia buổi giao lưu.
Tại buổi giao lưu, các bạn sinh viên Trường Đại học An Giang đã nghe chia sẻ của cô gái trẻ Trần Hoàng Châu về quá trình làm nên thương hiệu túi xách Chautfifth và câu chuyện gọi vốn trong Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, với những kế hoạch, chiến lược kinh doanh nhiều đột phá. Đồng thời đặt nhiều câu hỏi: Làm thế nào để có ý tưởng kinh doanh tốt; phải làm gì để gọi vốn thành công khi khởi nghiệp và có đủ nguồn tài trợ...
Từ kinh nghiệm bản thân, Hoàng Châu cho rằng, nếu muốn khởi nghiệp, các bạn trẻ ngoài có mục tiêu cụ thể và những nỗ lực hơn người, thì việc cần nhất là vẫn phải duy trì việc “làm công ăn lương”. Vì điều đó vừa giúp bản thân tích lũy nhiều kinh nghiệm, vừa ổn định tâm lý (vững chắc về tài chính). Vì khi chặng đường khởi nghiệp có chông gai, người khởi nghiệp vẫn còn động lực và tiềm lực để đứng lên bước tiếp hành trình mà bản thân đã lựa chọn.
“Hãy dám ước mơ, dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để khám phá sức mạnh bản thân. Chỉ khi ước mơ, khát vọng đi liền với hành động, thì mới có cơ hội trở thành hiện thực. Chắc chắn khó khăn có, thử thách không nhỏ, đôi khi sẽ có cả thất bại nhưng tất cả sẽ giúp ta trưởng thành hơn. Nếu khát vọng đủ lớn, hành trang khởi nghiệp đủ nhiều, thành công sẽ không còn xa” - Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Chautfifth Trần Hoàng Châu gửi gắm những bạn trẻ tại quê nhà.
Chia sẻ tại chương trình talk show “Câu chuyện khởi nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh tổ chức, Trần Hoàng Châu, nhà sáng lập, khẳng định: “Khởi nghiệp cần nhất phải có chính là sự chăm chỉ, chịu khó và bền bỉ, nhất là ở các bạn trẻ, nếu không hội đủ những điều ấy thì câu chuyện khởi nghiệp sẽ khó thành công. Đồng thời, phải dũng cảm vượt qua nỗi lo lắng “3 không” của mình khi quyết định khởi nghiệp: Không kiến thức trong ngành, không có kinh nghiệm và càng không có những mối quan hệ trong ngành. |
PHƯƠNG LAN