Ăn bánh mì hàng ngày có tốt?

04/12/2024 - 19:44

Bánh mì là thực phẩm được nhiều người yêu thích vì ngon và tiện lợi, vậy nhưng ăn bánh mì hàng ngày có tốt không?

Bánh mì ngày nay trở thành một loại thực phẩm quen thuộc với nhiều người. Có không ít người băn khoăn việc ăn bánh mì hàng ngày có ảnh hưởng đến cơ thể không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào cho bạn về thắc mắc này.

Thành phần dinh dưỡng của bánh mì

Trang Ngôi sao - chuyên trang giải trí của VnExpress dẫn nguồn trang Eating Well cho biết, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, một lát bánh mì nguyên cám (25g) cung cấp:

Lượng calo: 77

Carbohydrate: 13g

Chất xơ: 2g

Đường: 1g

Chất đạm: 4g

Tổng chất béo: 1g

Natri: 141g

Ăn bánh mì hàng ngày có tốt không?

Do sự phổ biến của chế độ ăn low-carb và kiêng carb, bánh mì trở thành chủ đề tranh luận gây tranh cãi về tác dụng, tác hại. Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Eating Wel cho biết, theo Tổ chức Thực phẩm Ngũ cốc, bánh mì là nguồn cung cấp chất xơ, sắt, vitamin B. Tuy nhiên, ăn quá nhiều bánh mì dễ gây ra một số tác động tiêu cực cần lưu ý.

Ăn bánh mì hàng ngày có tốt cho sức khoẻ là băn khoăn của nhiều người.

Tăng lượng chất xơ

Cho dù đó là bánh mì trắng, nguyên hạt hay bánh mì chua sourdough, tất cả đều chứa chất xơ. Đó là chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần để tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Kristi Ruth, một số loại bánh mì, chẳng hạn như bánh mì nguyên hạt chứa nhiều chất xơ và giúp no lâu hơn những loại khác.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một lát bánh mì nguyên cám chứa 2g chất xơ. Đó là khoảng 7% nhu cầu mỗi ngày. Lượng chất xơ ở bánh mì ngũ cốc nguyên hạt cao hơn 4-5g.

Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Eating Wel cho biết, theo chuyên gia Elana Natker, Tổ chức Thực phẩm Ngũ cốc: “40% lượng chất xơ trong chế độ ăn uống đến từ ngũ cốc. Việc loại bỏ ngũ cốc như bánh mì sẽ lấy đi chất xơ mà mọi người đang cần”.

Tất nhiên, mọi người có thể nhận chất xơ từ các loại thực phẩm khác như rau và trái cây. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn bánh mì khỏi chế độ ăn uống sẽ hạn chế nguồn chất xơ dễ kiếm. Theo tạp chí Y học Lối sống Mỹ, 95% người dân Mỹ không hấp thụ đủ lượng chất xơ cần thiết (số liệu năm 2017).

Bánh mì nhiều chất xơ có thể gây khó chịu cho một số người. Mặc dù cơ thể cần có đủ lượng chất xơ từ các nguồn thực phẩm nhưng không phải ai cũng có thể xử lý được 25-38g/ngày theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ.

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ có nguy cơ gây đầy hơi, chuột rút, khó chịu. Những người không hấp thụ chất xơ nên ăn bánh mì trắng hoặc bánh mì chua sourdough với ít chất xơ hơn.

Nhận được nhiều chất dinh dưỡng khác

Tất cả các loại bánh mì, kể cả bánh mì trắng, đều chứa các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Cùng với lượng sắt, chất xơ và vitamin B cao, bánh mì còn chứa protein, canxi, mangan và kẽm. Bánh mì trắng cũng được coi là một nguồn vitamin B9 đáng kể (31% nhu cầu thiết yếu), rất cần thiết với phụ nữ mang thai.

Tăng lượng đường trong máu

Theo Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, ăn bánh mì hằng ngày giúp bạn đạt được các mục tiêu dinh dưỡng. Tuy nhiên, đó vẫn là thực phẩm chứa carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Khi bạn ăn, hệ tiêu hóa sẽ phân hủy carbohydrate thành đường, sau đó đi vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể sẽ giải phóng insulin để các tế bào hấp thụ lượng đường trong máu, tạo năng lượng hoặc dự trữ.

Hàm lượng chất xơ của loại bánh mì càng ít thì chỉ số đường huyết càng cao. Bạn có thể ăn bánh mì với chất béo lành mạnh hoặc protein nạc để làm chậm quá trình tiêu hóa và ổn định lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

Cảm thấy uể oải

Bánh mì có thể cung cấp cho cơ thể bạn năng lượng nhanh chóng từ carbohydrate, nhưng không có chất béo lành mạnh, nguồn protein hoặc chất xơ cao để tạo cảm giác no lâu hơn và năng lượng lâu dài.

Điều quan trọng là ăn bánh mì với các loại thực phẩm làm chậm quá trình tiêu hóa và cung cấp cho bạn năng lượng lâu dài.

Theo HẠ AN (VTC News)