An Giang bắt tay thực hiện nhiệm vụ sau Tết

22/02/2021 - 05:37

 - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đã kết thúc. Đây cũng là lúc các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp và người dân nhanh chóng bắt nhịp công việc, triển khai ngay những nhiệm vụ của năm 2021 - năm khởi đầu có ý nghĩa quan trọng cho chặng đường phát triển mới. Tuy đại dịch COVID-19 sẽ còn gây nhiều ảnh hưởng nhưng cũng mở ra những cơ hội khả quan nếu biết nắm bắt tốt.

Tập trung cho nhiệm vụ năm 2021

Tìm “cơ” trong “nguy”

Bối cảnh sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khá giống với thời điểm sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020: An Giang cũng như cả nước bắt tay vào thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, năm 2021 thuận lợi hơn khi chúng ta đã biết cách “sống chung” với dịch bệnh, có kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh chứ không bị bất ngờ như đầu năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Đại dịch đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành dịch vụ, vận tải, du lịch (DL), ăn uống, lưu trú... Nhiều doanh nghiệp (DN) đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất việc hoặc thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

“Đại dịch COVID-19 là thách thức đồng thời tạo ra cơ hội cho các DN biết nắm bắt. Trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, việc tận dụng tốt những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 sẽ là đòn bẩy giúp các DN tăng cường lợi thế cạnh tranh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà trọng tâm là chuyển đổi số đang tạo ra cơ hội lớn để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Trước bối cảnh khó khăn bởi đại dịch COVID-19, cộng đồng DN An Giang đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD), như: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Đối với ngành DL, việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của DL An Giang, đồng thời thúc đẩy việc cải thiện các sản phẩm DL, đa dạng các loại hình DL. Qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh khi các hoạt động DL trở lại bình thường sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn.

Kinh nghiệm năm 2020 cho thấy, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí thách thức mang tính toàn cầu như đại dịch COVID-19, nhưng nhờ chính sách điều hành linh hoạt, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” của tỉnh, tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt khó của người dân và DN, KTXH của An Giang tiếp tục phát triển, tạo tiền đề để tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trong năm 2021.

Tập trung nhiệm vụ

Năm 2021 được xem là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH hội 5 năm (2021-2025) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ KTXH 5 năm của tỉnh đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nên nhiệm vụ của năm 2021 là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của DN và người dân. Từng ngành, từng cấp phải xây dựng kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả. Từ đó, tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2021.

Với kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 năm 2020, cơ hội của năm 2021 là lớn hơn. Do vậy, An Giang đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm nay từ 6-6,5% (năm 2020, GRDP tăng 5,45%).

Để tạo đà tăng trưởng, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các DN triển khai hoạt động cũng như khởi công những dự án lớn, có ý nghĩa đột phá trên địa bàn An Giang, như: dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang, do Tập đoàn TH True Milk triển khai tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) với quy mô 178,4ha, tổng vốn đăng ký 2.655 tỷ đồng; dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc, do Tập đoàn Tân Long đầu tư tại xã Lương An Trà (Tri Tôn); quy mô 16ha, tổng vốn đăng ký 1.100 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú và Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại xã Bình Phú (Châu Phú) của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc Công ty Cổ phần Nam Việt) với quy mô 600ha, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng; Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao tại xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) của Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc với quy mô 160ha, vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng; các trang trại nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng (thuộc Tập đoàn THACO Trường Hải) đầu tư trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên…

Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và nông dân cũng sẽ được hưởng lợi.

Trong bối cảnh nhiều ngành vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì nông nghiệp được xem là bức tranh sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của An Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút vốn đầu tư, từng bước hình thành các DN nông nghiệp, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN phát triển SXKD, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư để thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, triển khai tốt Đề án phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025 để thúc đẩy phát triển ổn định.

An Giang tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN phát triển SXKD và trở thành động lực phát triển của tỉnh.

NGÔ CHUẨN