An Giang: Cam kết giải ngân công trình - không chỉ là lời hứa

22/12/2022 - 05:10

 - “Các chủ đầu tư cần tập trung cao độ từng ngày, thực hiện cho được cam kết. Rút kinh nghiệm của năm 2022, phải khẩn trương triển khai dự án ngay từ khi được phân bổ. Đừng để kéo dài thời gian quá nhiều cho hồ sơ thủ tục, đến khi bắt tay vào làm thì chẳng còn bao nhiêu thời gian” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị.

Nỗ lực của đô thị trung tâm

TP. Long Xuyên được phân bổ nhiều dự án, công trình trọng điểm, kỳ vọng đưa kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, An Giang nói chung bứt phá mạnh mẽ, xứng với tiềm năng sẵn có. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc, tính đến thời điểm này, địa phương giải ngân được gần 180 tỷ đồng trong tổng số gần 237 tỷ đồng được phân bổ (đạt 76% kế hoạch).

Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022, trong 5 dự án triển khai thực hiện đầu tư năm 2022, có 1 dự án hoàn thành, kết thúc đầu tư, quyết toán sớm hơn 2 năm so với dự án được duyệt (nâng cấp đường Ung Văn Khiêm, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường số 2). Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hoàng (đoạn từ đường Hà Hoàng Hổ đến cầu Tôn Đức Thắng) hoàn thành kết thúc đầu tư trong năm 2022.

Các dự án còn lại đang triển khai thi công song song với công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng (đường Lê Trọng Tấn - đoạn tiếp giáp đường Lê Trọng Tấn hiện hữu đến đường Lý Thái Tổ (nối dài); đoạn từ cầu Tầm Bót đến đường Phạm Cự Lượng; đường dẫn vào Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh). Tính đến nay, địa phương đã giải ngân hơn 50%, dự kiến đến ngày 31/1/2023 đạt hơn 90%.

Nhìn chung, tiến độ các dự án, gói thầu đang tiếp tục đấu thầu, triển khai hợp đồng thi công cũng như cung cấp và lắp đặt thiết bị kịp hoàn thành giải ngân vốn trong năm 2022. Tuy nhiên, 2 dự án đang vướng bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục và quy trình cưỡng chế, dự kiến kéo dài, không hoàn thành kịp trong năm, như: Đường nối cầu sắt tạm đường Lê Hồng Phong đến đường số 12; đường Lê Trọng Tấn, đoạn tiếp giáp đường Lê Trọng Tấn hiện hữu đến đường Lý Thái Tổ (nối dài).

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên được phân bổ 120 dự án nguồn vốn ngân sách thành phố, tổng mức vốn 182 tỷ đồng. Tính đến nay, đã giải ngân đạt 83,5% kế hoạch; dự kiến đến ngày 31/1/2023 cơ bản hoàn thành. 6 dự án được kéo dài sang năm 2022 tiếp tục giải ngân, với mức vốn 109 tỷ đồng, đơn vị đã giải ngân đạt 84%, dự kiến đến ngày 31/12/2022 đạt 95%.

TP. Long Xuyên vừa được đoàn công tác UBND tỉnh kiểm tra tiến độ giải ngân, thi công các công trình trọng điểm. Cũng như nhiều địa phương khác, Long Xuyên gặp hàng loạt khó khăn, như: Biến động vật tư và khan hiếm vật liệu xây dựng; năng lực thi công của nhà thầu không đồng đều; gói thầu bị vướng thủ tục pháp lý; chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng… Nếu không được tháo gỡ kịp thời, địa phương rất khó hoàn thành kế hoạch được giao.

Tập trung hơn nữa mới kịp tiến độ

Theo ông Lê Văn Phước, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức kiểm tra tiến độ các công trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Kết quả giải ngân chung năm 2022 đối với các dự án do các đơn vị làm chủ đầu tư đạt mức khá.

Thời gian từ nay đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2022 không còn nhiều, gây ra áp lực lớn cho đơn vị, địa phương liên quan. Để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh, chủ đầu tư tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 124/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang về giải ngân vốn đầu tư công.

“Thực tế phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến năng lực nhà thầu, năng lực ban quản lý dự án. Do đó, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện cho từng dự án từ nay cho đến hoàn thành và kết thúc dự án; có kế hoạch kiểm tra, đôc đốc, đẩy nhanh tiến độ, trong đó phải thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện dự án, đảm bảo triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng dự án đúng kế hoạch đề ra. Trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết” - ông Lê Văn Phước đề nghị.

Nhắc đi nhắc lại bài học kinh nghiệm “cũ mà không cũ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, đối với các dự án được bố trí vốn và chuẩn bị triển khai trong năm 2023, chủ đầu tư phải nghiên cứu, rà soát, khắc phục hạn chế trong việc triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án trong năm 2023 ngay khi được phân bổ nguồn vốn.

Trong đó, cần chú ý tập trung vào việc triển khai xử lý dứt điểm các dự án sử dụng nguồn vốn chuyển tiếp; đảm bảo cân đối hợp lý nguồn vốn đối với dự án triển khai mới, hạn chế việc phân kỳ nguồn vốn vượt quá khả năng thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án; sớm hoàn thành chuẩn bị hồ sơ mời thầu, ký hợp đồng, lựa chọn tư vấn. Đối với dự án còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân.

Để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, không chỉ cần lời hứa. Từng sở, ban, ngành và chủ đầu tư phải quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc hơn. Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay tồn tại, bất cập. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư đúng quy định và ngay khi có khối lượng.

GIA KHÁNH