Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung đoàn Bộ binh 892 (cũ). Ảnh: THU THẢO
Nghĩa đồng bào
Để chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch đón công dân An Giang về địa phương, Thường trực Tỉnh ủy vừa tổ chức buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn nhiều nội dung nhằm hoàn chỉnh kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất để đón công dân đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố có dịch bệnh diễn biến phức tạp trở về địa phương đảm bảo an toàn, nhanh chóng, hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, dự kiến tổ chức đón đợt 1 (ngày 22-9) là 300 người. Đối tượng tiếp nhận là công dân tỉnh An Giang đang tạm trú tại TP. Hồ Chí Minh (125 người), tỉnh Bình Dương (125 người), Đồng Nai (50 người). Họ đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, gồm: phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên; trẻ em từ 15 tuổi trở xuống; học sinh về nhập học hệ phổ thông; người đi khám và điều trị bệnh đã xuất viện nhưng do giãn cách xã hội chưa về quê được. Trừ các trường hợp F0 đang điều trị, F1 đang cách ly y tế; người đang ở trong khu vực đang bị phong tỏa. Lưu ý, người già từ 65 tuổi trở lên bị bệnh nền, sức yếu; phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên, trẻ em từ 12 tuổi trở xuống được đi kèm 1 người để bảo trợ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: kế hoạch đón công dân gặp khó khăn trở về địa phương là chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với đồng bào An Giang. Trước đây, An Giang chưa đón công dân của tỉnh về vì cần đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phải lên kế hoạch, chuẩn bị chu đáo điều kiện cần thiết. Đến nay, tỉnh đã có tính toán cụ thể, lên kế hoạch chặt chẽ đón công dân theo các nhóm ưu tiên về địa phương, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình đưa đón.
Quân khu 9 kiểm tra, đóng góp ý kiến cho quá trình vận hành khu cách ly Trung đoàn Bộ binh 892 (cũ). Ảnh: G.K
Chú trọng yếu tố an toàn
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, phải chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt để tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Thực hiện theo phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm” trong quá trình đưa đón. Tuân thủ nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly hoặc lây nhiễm đối với lực lượng làm nhiệm vụ và cộng đồng dân cư. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương hiện có công dân An Giang đang sinh sống, công ty vận tải, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, hỗ trợ tổ chức đưa đón công dân về quê an toàn.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, việc lựa chọn đối tượng phải hết sức công tâm, khách quan, đúng đối tượng. Nơi tiếp nhận công dân được bố trí tại Trung đoàn Bộ binh 892 (cũ) và Trường Quân sự tỉnh (cũ, huyện Thoại Sơn) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trong quá trình đón công dân, ngành công an phải phối hợp chặt chẽ ngành giao thông - vận tải thực hiện tốt việc dẫn đường, cũng như các thủ tục để đi qua chốt phòng, chống dịch địa phương; trong đó, điểm dừng chân phải lựa chọn an toàn. Đặc biệt, phải tổ chức lực lượng kết nối, tiếp nhận, “thanh lọc” F0. Toàn tỉnh phải cộng đồng trách nhiệm, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Việc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương phải trên tinh thần chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt, từ việc kết nối bà con An Giang nằm trong nhóm đối tượng đăng ký về địa phương, tổ chức kiểm tra, sàng lọc, xét nghiệm, phân loại và thực hiện biện pháp cách ly theo quy định; đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, cũng như trật tự an toàn giao thông. Đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác đón công dân, như: mặc đồ bảo hộ, xét nghiệm, sàng lọc… Kinh phí tổ chức đón người dân An Giang trở về địa phương dựa trên nguồn vốn xã hội hóa trên tinh thần thận trọng và ngân sách tỉnh đảm bảo… Các sở, ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ, từng thành viên trong ban tổ chức đón công dân phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, chuẩn bị chủ động, tích cực về mọi mặt, trên cơ sở phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình trở về quê hương.
Người dân đăng ký qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; UBMTTQ cấp huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể: TP. Long Xuyên 0296.3841311 - 0296.3841620; TP. Châu Đốc 0296.6559888 - 0296.3866501; huyện An Phú 0296.3511071 - 0296.3826701; TX. Tân Châu 0296.3822125 - 0296.6558383; huyện Phú Tân 0296.3585598 - 0296.3827354; huyện Châu Phú 0296.3688362 - 0296.3688361; huyện Tịnh Biên 0296.3876039 - 0296.3875223; huyện Tri Tôn 0296.3874213 - 0296.3874264; huyện Châu Thành 0296.3836283 - 0296.3836217; huyện Chợ Mới 0296.3887550 - 0296.3883233; huyện Thoại Sơn 02963.501015 - 0296.3879309. |
Công dân phải làm bản đăng ký về tỉnh An Giang, bản cam kết khi trở về quê An Giang phải thực hiện cách ly y tế tại nhà theo Công văn 2407/CV-BCĐ hoặc bản cam kết cách ly y tế tập trung 7 ngày; sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà (nơi cư trú) 7 ngày tiếp theo. Các mẫu đăng ký, cam kết được đăng tải trên Báo An Giang điện tử (www.baoangiang.com.vn). Các giấy tờ cần chuẩn bị, gồm: giấy tờ chứng minh là công dân tỉnh An Giang; chứng minh nhân dân/căn cước công dân; hồ sơ bệnh nền; giấy xác nhận khám thai hoặc giấy siêu âm; giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh; giấy ra viện (tùy theo đối tượng tiếp nhận). |
THU THẢO - HẠNH CHÂU