An Giang chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới

01/09/2020 - 05:32

 - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) An Giang khẩn trương phối hợp các cấp, ngành chuẩn bị mọi phương án, điều kiện tốt nhất để học sinh đến trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Phun xịt khử khuẩn trường lớp

Quản lý chặt chẽ số học sinh nhập cảnh

Năm học mới 2020-2021, huyện An Phú có 53 trường của 4 cấp học, với tổng số 33.998 học sinh, trong đó mầm non - mẫu giáo 4.328 cháu, tiểu học 16.920 học sinh, THCS 9.756 học sinh, THPT 2.994 học sinh. Do vấn đề giao thương kinh tế và cuộc sống mưu sinh của người dân biên giới, nên số lượng học sinh cư trú bên Campuchia về Việt Nam học tập (thống kê đến ngày 25-8) là 1.458 học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú Võ Hoàng Lâm cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, phòng đã thông báo đối tượng học sinh thuộc diện cách ly phải thực hiện cách ly để phòng, chống dịch bệnh theo quy định và có nhà (hoặc người thân) ở Việt Nam sẽ được nhận vào học. Đến ngày 25-8, có 156 học sinh thực hiện cách ly và có chỗ ở tại Việt Nam. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tập, Phòng GD&ĐT huyện An Phú đã chỉ đạo các trường phải quản lý chặt chẽ số học sinh về từ Campuchia, phối hợp địa phương rà soát điều kiện cách ly, nơi cư trú nhằm tránh tình trạng các em cách ly xong nhưng không có chỗ ở lại phải trở về bên kia biên giới…

Ngày 24-8, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch huy động học sinh Việt Nam từ Vương quốc Campuchia trở lại trường chuẩn bị năm học mới 2020-2021. Theo đó, các học sinh sau khi nhập cảnh sẽ được bố trí cách ly tại huyện An Phú (do UBND huyện bố trí) tối thiểu 28 ngày, trong đó 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà. Sau thời gian cách ly y tế, trường có học sinh cách ly phối hợp với gia đình đón học sinh trở về trường học bình thường, đồng thời báo cáo địa phương và cơ quan y tế theo dõi. Tổ chức cho phụ huynh (hoặc người đại diện) hoàn thành cách ly ký cam kết ở Việt Nam để các em tiếp tục học tập trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian học tập chia làm 3 đợt: đợt 1 (theo khung thời gian năm học 2020-2021) dự kiến 427 học sinh có hộ khẩu và chỗ ở tại Việt Nam đăng ký trở về. Sau khi học sinh đợt I hoàn thành cách ly tập trung, dự kiến khoảng 200 em có hộ khẩu ở Việt Nam (không có chỗ ở) cách ly tập trung đợt 2 trước khi nhập học. Đợt III, dự kiến khoảng trên 600 học sinh qua lại học hàng ngày (không có hộ khẩu và nhà ở Việt Nam), chờ có chủ trương mở cửa biên giới, ngành GD&ĐT sẽ hướng dẫn chuyên môn các trường tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng để các em theo kịp chương trình.

Vệ sinh trường lớp, cơ sở bán trú, đảm bảo an toàn phòng dịch

Chủ động 2 phương án

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Các trường tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, như: trang bị phương tiện rửa tay, xà bông, nước sạch, thiết bị đo thân nhiệt cầm tay, tuyên truyền đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn…

Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng và triển khai các hoạt động dạy và học năm học 2020-2021 với 2 phương án cụ thể. Theo đó, phương án 1 (trong điều kiện bình thường): 2 trường THPT chuyên (Thoại Ngọc Hầu và Thủ Khoa Nghĩa) tổ chức lễ khai giảng vào lúc 7 giờ 30 phút, thứ sáu, ngày 4-9-2020. Tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, phổ thông có nhiều cấp học đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào lúc 7 giờ 30 phút, thứ bảy, ngày 5-9-2020. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và trường Trung cấp nghề có hệ GDTX có thể tổ chức lễ khai giảng đồng thời với các trường phổ thông hoặc tổ chức sau đó, tùy theo tình hình thực tế của đơn vị… Lưu ý, các trường tổ chức lễ khai giảng trên tinh thần vì quyền lợi học sinh; không khuyến khích các đơn vị thả bong bóng bay trong lễ khai giảng.

Các trường rà soát việc khai báo y tế và theo dõi tình hình sức khỏe đối với tất cả công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên trong toàn đơn vị. Thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh như: trang bị đầy đủ các phương tiện rửa tay, xà bông, nước sạch, thiết bị đo nhiệt độ điện tử cầm tay, bố trí nơi thuận tiện để học sinh sử dụng; thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn... Tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, thông thoáng; lau bàn, ghế, cửa lớp học, phòng làm việc… bằng xà bông diệt khuẩn.

Với phương án 2 (nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp): tùy theo tình hình, điều kiện của mỗi đơn vị, địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai giảng linh động: có thể tổ chức lễ khai giảng dưới hình thức đại diện, theo lớp, theo buổi (trên cơ sở đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, hạn chế sử dụng micro chung...) hoặc trực tuyến. Nội dung lễ khai giảng tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa của ngày truyền thống “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, học sinh cảm nhận được không khí ngày khai giảng như: lắng nghe tiếng trống khai trường, những thông điệp của Hiệu trưởng, cảm nghĩ của học sinh...

Tăng cường kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho học sinh

Sở GD&ĐT lưu ý, việc tổ chức các hoạt động dạy và học sau khai giảng, các trường nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho học sinh hoạt động học tập, vui chơi, trải nghiệm tại nhà.

Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của đơn vị. Giáo viên biên soạn nội dung giảng dạy trực tuyến ghi hình, quay video… gửi cho học sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tin nhắn, email, group của lớp, trang web của trường, sổ liên lạc điện tử, có thể thông qua các hoạt động như dạy học trực tuyến, hoặc thông qua các ứng dụng OTT như: viber, zalo... Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chuyên môn cụ thể, phù hợp theo từng cấp học, bậc học, tùy tình hình và từng thời điểm khác nhau.  

Song song với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các trường thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các bếp ăn tập thể, nhà ăn bán trú, nơi ở và sinh hoạt, vui chơi của học sinh, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo.

Dịch bệnh Chikungunya đang lây lan tại Campuchia và có khả năng tiếp tục lan rộng sang các địa phương khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước yêu cầu các cấp, ngành tăng cường kiểm soát, không để dịch bệnh Chikungunya lây lan.

HỮU HUYNH