An Giang đẩy mạnh tuyên truyền tái cơ cấu nông nghiệp

31/12/2020 - 04:57

 - Bằng hình thức tuyên truyền kết hợp xây dựng các mô hình trình diễn thực tế, ngành khuyến nông thuyết phục được nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng kỹ thuật canh tác mới. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Áp dụng tiến bộ trong sản xuất

Với những nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời, tiêu chuẩn canh tác lúa gạo bền vững SRP không còn xa lạ (hiện có trên 100 thành viên đại diện cho chính phủ các nước trồng lúa tham gia, bao gồm Việt Nam). Tuy nhiên, với những nông dân quen theo kiểu canh tác truyền thống, bộ công cụ thúc đẩy thực hành sản xuất lúa bền vững này có vẻ hơi “vướng vướng”.

Nhằm giúp nông dân có đánh giá trực quan về lợi ích của SRP, Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn đã xây dựng mô hình trình diễn tại ruộng lúa của nông dân Lê Văn Phước (ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh) trong vụ thu đông năm 2020 vừa qua. Trên diện tích 2ha, ông Phước trồng giống lúa OM18 (do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu, phát triển).

Ông được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), được tập huấn quy trình canh tác lúa “1 phải, 5 giảm” với các nội dung kỹ thuật chủ yếu, như: làm đất, quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng. Ông Phước thực hiện quy trình sạ thưa với mật độ 130kg lúa giống/ha; thực hành sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng và nồng độ; đúng lúc và đúng cách).

Khuyến nông kết hợp xây dựng mô hình minh chứng giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác

Sau 3 tháng canh tác, Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn tổ chức hội thảo tổng kết mô hình với sự tham gia của trên 60 nông dân cùng các kỹ thuật viên các xã: Tà Đảnh, Tân Tuyến, Cô Tô, Núi Tô và thị trấn Tri Tôn. Sau khi tham quan trực tiếp mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, nông dân thích thú khi thấy ruộng lúa của ông Lê Văn Phước phát triển tốt mà giảm được chi phí đáng kể. Nhờ sử dụng giống tốt nên cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, giảm áp lực dịch hại; sử dụng phân bón cân đối, hợp lý nên lúa hạn chế đổ ngã, giảm sâu cuốn lá và các bệnh đạo ôn, cháy bìa lá so ruộng đối chứng.

Khi áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn SRP, ruộng của ông Phước giảm được lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch mà năng suất vẫn tăng. Nhờ vậy, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng gần 4 triệu đồng/ha. “Với tiêu chuẩn SRP, tôi quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Chưa kể lúa SRP được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn, ngay việc tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí trong quá trình canh tác đã giúp hiệu quả kinh tế tăng lên khá nhiều. Tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này” - ông Phước đề xuất.

Hướng đến hiệu quả bền vững

Việc tổ chức các hội thảo, tập huấn kỹ thuật canh tác tiến bộ gắn với mô hình minh chứng cụ thể là cách làm được ngành khuyến nông An Giang quan tâm thực hiện thường xuyên. Mục tiêu của những hoạt động này là nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm cũng như giảm thiểu tối đa tổn hại đến môi trường sinh thái.

Những năm gần đây, mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn An Giang phát triển khá mạnh. Để đáp ứng nhu cầu nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 6 mô hình trình diễn trồng nấm rơm theo tầng kệ, trồng nấm theo dạng trụ, trồng nấm rơm phối trộn bông vải, ứng dụng các thiết bị kỹ thuật như: ẩm kế, nhiệt kế, nhằm cải thiện năng suất. Kết quả, năng suất nấm rơm tăng 40% so với cách trồng truyền thống; lợi nhuận đạt trung bình từ 3-5 triệu đồng/100m mô/vụ.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 6 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình nhằm tổng kết đánh giá hiệu quả. 20 nông dân trồng nấm của tỉnh còn được tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng nấm đạt hiệu quả cao tại TP. Cần Thơ, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Ngành khuyến nông đã phối hợp thành lập 4 tổ, nhóm sản xuất nấm. Các THT đều có liên kết với thương lái tiêu thụ tại địa phương. Giai đoạn 2018-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp các địa phương tổ chức nhiều đợt hội thảo, tập huấn trên nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Đối với ngành hành lúa gạo, do lực lượng nông dân tham gia đông đảo nên quy mô chuyển giao tiến bộ kỹ thuật luôn được mở rộng. Giai đoạn 2018-2020, ngành khuyến nông đã tổ chức 22 cuộc họp củng cố phân hội giống, có 660 nông dân tham dự. Các cuộc họp kết hợp cung cấp thông tin thị trường, chủ trương chính sách và lập kế hoạch sản xuất. Kết quả, diện tích nhân giống hàng năm được duy trì ổn định, đạt 30.149ha năm 2020.

Ngành khuyến nông còn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về chuỗi giá trị lúa gạo cho 75 cán bộ kỹ thuật và 630 nông dân để thúc đẫy tính liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện 60 điểm trình diễn về mô hình trồng giống lúa, nếp triển vọng, chất lượng cao (mỗi điểm trình diễn từ 5-8 giống); tổ chức 30 cuộc hội thảo với trên 1.700 đại biểu và nông dân tham dự. Kết quả, nông dân đã bình chọn một số giống lúa, nếp có triển vọng (OM418, số 3-ĐHCT, nếp OM406, NV20…), góp phần bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh…

Giai đoạn 2018-2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp doanh nghiệp chọn 22 vùng nguyên liệu để thực hiện sản xuất theo yêu cầu. Kết quả, đã giúp giảm lượng giống xuống còn 100kg/ha (bình thường sạ từ 150-200kg/ha), giảm được lượng phân Urê và giảm áp lực sâu bệnh. Những mô hình sản xuất hiệu quả này đang tiếp tục được nhân rộng.

 

NGÔ CHUẨN