Nhiều khó khăn, thách thức
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 được phân bổ cho tỉnh là 8.123,65 tỷ đồng (bao gồm vốn kéo dài từ năm 2022 sang), tăng 1.372,48 tỷ đồng so năm 2022. Đến hết quý I, ước giá trị giải ngân được 606 tỷ đồng, mới đạt 7,79% kế hoạch vốn năm 2023. Kết quả này thấp hơn 2,27% so cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn bình quân cả nước (10,35%).
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm còn thấp chủ yếu do các dự án khởi công mới đang hoàn chỉnh thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là những dự án có vốn lớn như Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự án thành phần 1) chiếm 21,57% tổng vốn năm 2023. Trong khi đó, vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) mới được giao bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 vào cuối tháng 2/2023, phải thực hiện trình tự thông qua HĐND tỉnh.
Theo ông Tâm, kế hoạch đầu tư công năm 2023 có những thuận lợi hơn so các năm 2021, 2022, do hầu hết là các dự án chuyển tiếp và đã hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức do khối lượng công việc nhiều hơn; kế hoạch vốn được giao lớn hơn.
Trên địa bàn tỉnh cùng lúc triển khai thi công nhiều dự án lớn, như: Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp, mở rộng khẩn cấp Tỉnh lộ 948, thuộc tuyến quốc phòng - an ninh vùng biên giới và dân tộc giai đoạn 2; đường tránh TP. Long Xuyên...
Do vậy, nhu cầu về nguồn cung nguyên - vật liệu, nhân công rất lớn, trong khi giá cả nguyên - vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của nhà thầu...
Quyết tâm khắc phục
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm dự báo, đến hết niên độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (ngày 31/1/2024), khả năng giải ngân của tỉnh đạt từ 95% trở lên. Cơ sở để đạt được là do các dự án cấp tỉnh quản lý hầu hết là các dự án chuyển tiếp và đã hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, khả năng giải ngân là 72,88%. Đối với các dự án do cấp huyện quản lý, 3 Chương trình MTQG và bố trí thực hiện nhiệm vụ khác, khả năng giải ngân là 22,68%.
Ông Tâm cho rằng, để đạt tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên, các sở, ngành và chủ đầu tư cần tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Đoàn kiểm tra công trình trọng điểm năm 2023 của tỉnh tiến hành kiểm tra đợt 1 từ tháng 4/2023, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án có vướng mắc để kịp thời xử lý.
Các chủ đầu tư cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tiếp tục xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công được giao và phê bình, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp năm 2023.
Các chủ đầu tư phải tổ chức làm việc và có biên bản cam kết về tiến độ thực hiện với các nhà thầu, đồng thời có phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng dự án; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các cá nhân, đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
“Đề nghị các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tập kết vật tư, nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Các chủ đầu tư phải xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai thực hiện và chỉ tiêu giải ngân cụ thể hàng tháng, quý trên mức vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao, gửi về UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để theo dõi, kiểm tra khi cần thiết” - ông Tâm đề nghị.
Xem xét khen thưởng, kỷ luật
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp lãnh, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.
Đối với các dự án, công trình trọng điểm cần phải đẩy nhanh tiến độ, trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong đó, phấn đấu tổ chức lễ khởi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại điểm đầu dự án (TP. Châu Đốc) vào giữa năm nay.
“Việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa rất lớn, là động lực tăng trưởng của các địa phương và tỉnh. Do vậy, cần gắn chặt trách nhiệm các sở, ngành, địa phương, đơn vị, xem đây là tiêu chí xem xét thi đua, khen thưởng cũng như kiểm điểm, phê bình hàng năm” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
“Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang cam kết đến cuối tháng 6, tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất trên 50% so tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023. Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu này” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu
|
NGÔ CHUẨN