An Giang đoàn kết, chiến thắng đại dịch COVID-19 - Kỳ 2: Tập trung ứng phó

27/10/2021 - 08:00

 - Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở một số địa phương diễn biến khá phức tạp, số ca mắc COVID-19 mới gia tăng, một số ca bệnh mới phát hiện có yếu tố dịch tễ phức tạp. Do đó, tỉnh An Giang đã tăng cường siết chặt kiểm soát, tập trung truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan.

Dồn sức dập dịch

Ngay sau khi xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên tại thị trấn Long Bình vào cuối tháng 6-2021, huyện An Phú đã khẩn trương khoanh vùng, triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, dập dịch. Tình hình dần ổn định, huyện tập trung điều trị và kiểm soát, khống chế dịch. Tuy nhiên, do biến chủng Delta lây lan nhanh, dịch bệnh lây nhiễm từ các tài xế chở hàng và người đã qua thời gian cách ly tập trung…

Lãnh đạo huyện An Phú động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch

Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú Ngô Công Thức cho biết, từ ngày 8-8, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên đã tổ chức nhiều đợt tầm soát diện rộng để “làm sạch” địa bàn và “bóc tách” hàng trăm F0 ra khỏi cộng đồng.

Có thời điểm, huyện An Phú có tới hàng chục điểm phong tỏa ở các xã, thị trấn, như: Long Bình, Khánh An, Nhơn Hội, Quốc Thái, Vĩnh Lộc... Trong đó, xã Khánh An và thị trấn Long Bình là 2 địa phương “vùng đỏ” và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Với sự hỗ trợ của Sở Y tế An Giang, Công an An Giang và các lực lượng, huyện đã tập trung sàng lọc toàn bộ người dân ở xã Khánh An và thị trấn Long Bình để “làm sạch” địa bàn.

Đối với các điểm dịch mới phát sinh tại thị trấn Phú Mỹ, xã Phú Lâm (huyện Phú Tân), ổ dịch ở xã Hòa An, thị trấn Mỹ Luông, thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới), TX. Tân Châu… tỉnh đã huy động nhiều lực lượng tham gia dập dịch, đồng thời được tỉnh hỗ trợ lực lượng truy vết, lấy mẫu. Lực lượng y tế phun xịt khử khuẩn các hộ dân và tiến hành phong tỏa hẹp những nơi có ca xét nghiệm RT-PCR dương tính…

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2

Để “làm sạch” địa bàn, truy vết và dập dịch thành công, các địa phương đã triển khai mỗi xã, thị trấn thành lập từ 10-20 Tổ xét nghiệm, đến từng hộ gia đình tầm soát, bóc tách F0.  

Các địa phương còn tham mưu thành lập Tiểu đội, Trung đội truy vết để khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm COVID-19; đảm bảo công tác an ninh, an toàn tại khu vực phong tỏa; thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tại các cửa ngõ. Đồng thời, giúp địa phương điều tra, xác minh, truy vết các trường hợp đi, về từ vùng dịch; tham mưu, khoanh vùng, dập dịch, không để bùng phát, lây lan trong cộng đồng…

Các lực lượng tuyến đầu cùng hệ thống chính trị đã thần tốc, quyết liệt thực hiện các biện pháp truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, phong tỏa để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Linh hoạt tận dụng cơ sở vật chất của bệnh viện, trường học, khách sạn… để làm nơi cách ly, điều trị. Nhất là, xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả trong xét nghiệm, sàng lọc diện rộng. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện để kiểm soát các ổ dịch phức tạp.

Tăng cường điều trị

An Giang tiếp tục quán triệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh (đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban). Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch của tỉnh, tổ chức trực 24/7 để kịp thời xử trí các tình huống. Chỉ đạo tiếp tục xét nghiệm diện rộng, sàng lọc F0, huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương có nhiều ổ dịch để lấy mẫu tầm soát.

Toàn tỉnh triển khai 7 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR bố trí tại 3 đơn vị là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 2 xe xét nghiệm lưu động để xét nghiệm sàng lọc, xử lý các ở dịch ở tuyến huyện.

Kiểm soát chặt chẽ người cách ly tại nhà

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh công nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Đồng thời, triển khai thêm 4 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR tại 2 bệnh viện ở tỉnh và 2 trung tâm y tế huyện.

Trong công tác điều trị, An Giang triển khai điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, toàn tỉnh có 30 cơ sở điều trị COVID-19 với 3.556 giường. Cùng với đó, tất cả 156 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Trạm Y tế lưu động sẵn sàng chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà khi cần thiết.

Kiểm tra khu phong tỏa ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú

Đối với tiêm vaccine, đến ngày 26-10, An Giang đã tiêm 1.234.288 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó 1.083.155 mũi 1, 151.133 mũi 2. Như vậy, có 78,97% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và 11,02% người được tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, tỉnh đang đẩy nhanh tiêm vaccine để tăng độ bao phủ trong cộng đồng.

Mặc dù An Giang cơ bản kiểm soát tình hình, nhưng do tiếp nhận một lượng lớn người về từ các tỉnh (khoảng 65.000 người), trong đó phát hiện hơn 1.069 người mắc COVID-19… nên tiềm ẩn nguy cơ. Đến ngày 27-10, An Giang ghi nhận 9.798 ca mắc COVID-19, số ca điều trị khỏi bệnh rất cao (7.120 ca), đang điều trị 2.543 ca…

HỮU HUYNH