An Giang đoàn kết, chiến thắng đại dịch COVID-19 - Kỳ 4: Chăm lo cho dân là trên hết, trước hết

29/10/2021 - 08:00

 - Mặc dù tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn còn phức tạp, cùng với lượng người về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh rất đông, tạo áp lực lớn, nhưng An Giang đã nhanh chóng, linh hoạt các phương án để chăm lo tốt nhất cho người dân và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Người dân được hỗ trợ kịp thời, chu đáo, tất cả nhằm mục tiêu chăm lo cho dân là trên hết, trước hết.

Tập trung lo cho dân

Mặc dù tiếp nhận lượng người về rất đông (hơn 65.000 người), với nhiều áp lực, nhưng An Giang linh hoạt, triển khai kịp thời các phương án tiếp đón, sàng lọc, rước người dân về quê an toàn, chu đáo. Tuy nhiên, đa phần người dân tự phát về quê là lao động tự do, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện hơn 1.069 trường hợp mắc COVID-19.

Cung cấp các suất ăn miễn phí cho người dân từ các tỉnh về địa phương

Do các điểm cách ly đã quá tải, các trường học được sử dụng cách ly thì không đảm bảo chống dịch; thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, tỉnh đã áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp có đủ điều kiện (có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, người tiêm vaccine đủ liều, người đã khỏi bệnh COVID-19…). Tất cả các trường hợp này được khám sàng lọc, test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR âm tính và đảm bảo các điều kiện cách ly tại nhà theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm lo cho dân, nhất là cách ly tại nhà phải đảm bảo an toàn sức khỏe và an toàn phòng, chống dịch để bà con sớm trở lại cuộc sống bình thường. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu và các địa phương đã triển khai chặt chẽ việc khảo sát trước từng hộ gia đình có người lớn tuổi, người có bệnh nền để hỗ trợ thích hợp, đảm bảo an toàn. Đối với những hộ gia đình có đông người, nhà chật hẹp, không đảm bảo điều kiện cách ly tại nhà thì bố trí tại các khu cách ly tập trung… Khi bố trí người dân cách ly tại nhà thì bà con sẽ rất mừng, nhưng địa phương sẽ rất lo lây lan dịch bệnh. Do đó, cùng với sự tăng cường giám sát của địa phương và ngành y tế, vấn đề quan trọng nhất là người dân phải thể hiện ý thức cùng địa phương chống dịch để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Người cách ly tại nhà phải thường xuyên khai báo y tế, thực hiện thông điệp “5K”, không ra khỏi nhà và cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở... phải báo ngay để kịp thời hỗ trợ.

Xuyên đêm đón rước người dân tự phát trở về từ các tỉnh

Trong quá trình sàng lọc, các địa phương còn phân loại, lập danh sách những người đã được tiêm vaccine mũi 1 để có kế hoạch bố trí tiêm tiếp mũi 2 đúng thời gian quy định. Với phương châm không để hộ dân nào bị đói khi về thực hiện cách ly tại nhà, mặc dù rất khó khăn nhưng An Giang tiếp tục vận động để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phát huy vai trò Tổ COVID-19 cộng đồng là "tai, mắt" của nhân dân…

Tổ COVID-19 cộng đồng đã làm tốt vai trò “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay với chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ người về từ các tỉnh, thành về địa phương. Vận động khai báo y tế, giám sát cách ly tại nhà, theo dõi chặt chẽ, khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải báo ngay y tế, chính quyền địa phương. Đồng thời, các Tổ COVID-19 cộng đồng còn vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm cho công dân cách ly tại nhà…  “Nhiều bữa trời mưa, nhưng các anh trong Tổ COVID-19 cộng đồng nhiệt tình đem gạo, nhu yếu phẩm cấp phát cho dân. Sự quan tâm của chính quyền làm cho người dân chúng tôi rất xúc động lắm. Chúng tôi quyết tâm thực hiện đúng quy định cách ly tại nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”- anh Khải (một người dân cách ly tại nhà ở thị trấn Long Bình) nói.

Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Vợ chồng anh Trương Văn Quan và chị Trần Thị Ngọc, công nhân ở tỉnh Bình Dương, cho biết: “Hơn 3 tháng nghỉ việc, gia đình chỉ được địa phương (nơi làm việc) hỗ trợ 15kg gạo, trong khi đó tiền trọ mỗi tháng mất hơn 2 triệu đồng, hàng ngày phải lo cho 5 miệng ăn. Khi về quê, được địa phương lo ăn, uống đầy đủ, bà con xung quanh còn cho thêm rau, củ, quả nên không lo bị đói. Gia đình tôi rất biết ơn chính quyền đã cưu mang, giúp đỡ trong lúc khó khăn này”…

Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ gần 220.000 người, 1.633 doanh nghiệp, 583 hộ kinh doanh, với số tiền khoảng 267 tỷ đồng. Tiếp nhận, phân bổ gạo cho người dân gặp khó khăn với hơn 3.362 tấn gạo hỗ trợ 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh (hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết (sữa, bánh…) cho 519 phụ nữ mang thai và 5.203 trẻ em với số tiền 1 tỷ đồng.

“Không để người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm”, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển rất hiệu quả các mô hình chăm lo, như: “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”…, với 190 điểm ở 156 xã, phường, thị trấn. Trong đó, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như: gạo, mì gói, rau, củ, nước tương, bột ngọt, dầu ăn, hột gà, hột vị, khẩu trang, quần áo… qua đó, hỗ trợ trên 449.000 lượt hộ dân với trị giá trên 46,6 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho hơn 192.630 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị phong tỏa… lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, với tổng trị giá trên 108,4 tỷ đồng.

Đảm bảo chăm lo những người tự phát trở về, tỉnh hỗ trợ tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày trong 7 ngày cách ly tập trung. Hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi huyện (toàn tỉnh là 5,5 tỷ đồng).

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu đối với các khu cách ly phải đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, điều trị, sinh hoạt, không để lây nhiễm chéo…

Đối với người dân về quê, tất cả các địa phương trong tỉnh phải tiếp đón chu đáo, kiểm soát phù hợp; huy động các nguồn lực đảm bảo chăm lo tốt an sinh xã hội và rà soát lập danh sách để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho bà con.

HỮU HUYNH