An Giang hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh

11/11/2022 - 06:41

 - Với hỗ trợ sản xuất xanh trong nông nghiệp, nông dân trồng lúa và xoài tại An Giang có thể tiết kiệm được 40% lượng nước, giảm 25% lượng hóa chất, 60% lượng thuốc trừ sâu, giảm 40% phát thải khí nhà kính. Qua đó, giúp nông dân tham gia dự án tăng thêm thu nhập 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo và 20% trong chuỗi giá trị xoài.

Phát huy vai trò hợp tác xã

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) là một trong những HTX được chọn tham gia dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm” (GIC) tại Việt Nam do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ.

Là HTX có nhiều kinh nghiệm trong liên kết, đổi mới sản xuất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Vĩnh Bình Nguyễn Văn Tắc tự tin: “Bây giờ là thời buổi hội nhập quốc tế, làm nông nghiệp phải thông minh và biết thích ứng với biến đổi khí hậu mới có lợi nhuận.

Chúng tôi hướng đến mục tiêu 1.000ha canh tác lúa của 112 thành viên đều phải ứng dụng công nghệ 4.0, có thể ngồi nhà điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh. Các công đoạn trước đây cần nhiều sức người, như: Phun thuốc, bón phân, sạ lúa… giờ chỉ cần điều khiển bằng máy bay không người lái.

HTX mơ ước đến các hệ thống quan trắc được lắp đặt tại đồng ruộng. Khi đó, dù đang ở bất kỳ đâu, nông dân có thể dùng thiết bị di động để theo dõi thực trạng nguồn nước tưới tiêu, độ pH, độ mặn, nắm được tình hình sâu rầy, sự thay đổi của thời tiết để chủ động xử lý kịp thời”. 

Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết doanh nghiệp (DN), thu nhập của thành viên HTX nông nghiệp Vĩnh Bình luôn cao hơn các hộ sản xuất lúa bên ngoài từ 5-10%, nông dân yên tâm đầu ra. Ông Tắc cho biết, trong 1.000ha canh tác của HTX, có 100ha sản xuất lúa theo VietGAP được cấp mã số vùng trồng, 50ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP. Với những cánh đồng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn an toàn, HTX kỳ vọng sớm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Với HTX nông nghiệp Tây Phú (huyện Thoại Sơn), hiện có 200ha canh tác lúa với 15 thành viên tham gia, thực hiện 4 loại hình dịch vụ là cung ứng vật tư nông nghiệp, bơm tưới tiêu, liên kết tiêu thụ lúa gạo và sản xuất lúa giống.

Giám đốc HTX nông nghiệp Tây Phú Nguyễn Văn Hiệp cho biết, HTX có 100% diện tích đều sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, đáp ứng theo đơn đặt hàng của DN để xuất khẩu sang Châu Âu. Nhờ đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào từ 15-20%, trong khi thu nhập tăng trên 30% so canh tác bình thường.

“Chúng tôi luôn tìm tòi, học hỏi, mong muốn nâng cao năng lực lãnh đạo HTX về mặt quản lý, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, quản lý tài chính, kỹ năng truyền thông, quản lý thị trường… để giúp việc sản xuất ngày càng hiệu quả hơn” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Tiếp sức nông nghiệp xanh

Quyết tâm cao của những HTX như Vĩnh Bình, Tây Phú là cơ sở giúp An Giang trở thành một trong những địa phương trọng điểm tham gia Dự án GIC, do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp thực hiện. Tại An Giang, Công ty Tư vấn GFA (Đức) sẽ đào tạo, nâng cao năng lực cho 17 HTX nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đào tạo kinh doanh cho nông dân, tập trung vào nội dung quản lý HTX, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, quản lý tài chính, marketing, quản lý thị trường…

Bà Kamila Tovbaeva (Điều phối viên Hợp phần nâng cao năng lực cho HTX và kinh doanh cho nông dân của Công ty Tư vấn GFA) cho biết, mục tiêu chính là nhằm nâng cao năng lực cho HTX tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và đào tạo kinh doanh cho nông dân để trồng lúa ngày càng tốt hơn. Nông dân được tham gia liên kết, gia nhập vào HTX để thực hiện “mua chung, bán chung”, tạo ra sản lượng lớn, giúp HTX đàm phán, bán cho DN với giá cao.

Ngoài ra, nông dân còn được tham gia vào mô hình sinh kế tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách tận dụng nguồn rơm rạ để chất nấm rơm, sau đó tận dụng rơm mục để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, việc được lựa chọn tham gia Dự án GIC là một cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp An Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, do Chính phủ Đức tài trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại. UBND tỉnh An Giang cam kết bố trí kinh phí đối ứng hơn 1,9 tỷ đồng để tham gia thực hiện dự án tại các địa phương.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2025, triển khai trên ngành hàng lúa gạo và xoài. Mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp An Giang muốn hướng đến là nâng cao hiệu quả canh tác, chất lượng nông sản của nông dân, từng bước phát triển bền vững trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, xoài. Đặc biệt, triển khai nhiều mô hình ứng dụng các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong canh tác nhằm giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

NGÔ CHUẨN