An Giang mở rộng “vùng xanh” ngăn dịch bệnh

16/08/2021 - 00:44

 - Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong chuyến khảo sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại An Giang gợi mở nhiều giải pháp ngăn ngừa, tiến tới kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, đẩy mạnh tiêm vaccine, tầm soát và bóc tách F0 (người nhiễm COVID-19) khỏi cộng đồng, củng cố và mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp dần vùng có nguy cơ… là những giải pháp nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

Nỗ lực của An Giang

So với các tỉnh trong khu vực, địa hình An Giang khá phức tạp, có đường biên giới dài gần 100km giáp Campuchia, nhiều cửa ngõ tiếp giáp với TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang cả đường bộ và đường thủy. “Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, tỉnh đã triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, sau đó chủ động nâng lên thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trước khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thực hiện chung cho 18 tỉnh, thành phố phía Nam. Mỗi ngày, có hơn 2.000 phương tiện xe tải vào An Giang, đi cùng là hàng ngàn tài xế và người theo xe, tỉnh phải kiểm soát tốt lực lượng này nhằm ngăn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phân tích.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua thống kê, có khoảng 85% số trường hợp nhiễm COVID-19 trong tỉnh bắt nguồn từ tài xế. Chính nhờ kiểm soát tốt lực lượng này, tỉnh đang phòng, chống dịch COVID-19 khá hiệu quả. “An Giang là tỉnh cuối đưa hàng hóa vào, tức là khi đến An Giang, tài xế sẽ dừng xe xuống hàng, cũng là điểm đầu bốc dỡ hàng chở đi nơi khác. Tỉnh vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa ra, vào. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đến từ những vùng có nguy cơ, các chốt kiểm soát tiến hành lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2, ghi lại thông tin rồi vẫn cho phương tiện di chuyển. Khi kết quả xét nghiệm là dương tính, tài xế được yêu cầu dừng xe để cách ly y tế, chờ kết quả xét nghiệm PCR để có hướng xử lý tiếp theo” - ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Bên cạnh kiểm soát tài xế đường dài, An Giang cũng siết chặt quản lý trên toàn tuyến biên giới, tăng cường vai trò cộng đồng trong kiểm tra, giám sát người về từ vùng dịch… Nhờ kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm nên đến nay, trong khi một số tỉnh, thành phố lân cận xuất hiện hàng ngàn ca nhiễm COVID-19 thì con số này ở An Giang vẫn thấp (trường hợp nhiễm COVID-19 từ ngày 15-4 đến 12-8 tại An Giang là 753 người, trong đó có 64 trường hợp nhập cảnh.

Truy vết F0 trong cộng đồng

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, cùng với thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, “Ai ở đâu ở đấy”, An Giang sẽ triển khai thần tốc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 mở rộng trong cộng đồng đến từng hộ gia đình (lấy mẫu PCR gộp hoặc test nhanh mẫu đại diện của từng hộ gia đình). Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định phạm vi lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 sàng lọc trong cộng đồng đối với từng xã, phường, thị trấn, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư; trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ cao và những hộ gia đình có nguy cơ lây nhiễm cao để kịp thời phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất.

An Giang hiện đã trang bị 3 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR (Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), năng lực xét nghiệm khoảng 1.200 mẫu đơn/ngày. Tỉnh đã có chủ trương trang bị thêm 3 hệ thống xét nghiệm PCR để tăng thêm công suất xét nghiệm. Ngoài ra, Tập đoàn Phương Trang và Bộ Y tế hỗ trợ 2 hệ thống xét nghiệm PCR. Như vậy, khi triển khai đầy đủ sẽ đạt công suất xét nghiệm tối đa 3.000 mẫu đơn/ngày. An Giang đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo phân bổ của Bộ Y tế. “Nếu từ nay đến cuối năm 2021, số lượng vaccine phân bổ đủ, An Giang đảm bảo sẽ tiêm chủng ít nhất cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Hiện nay, bệnh viện tuyến tỉnh đang bố trí khoảng 90 giường để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đến rất nặng; trung tâm y tế tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực bố trí tiếp nhận điều trị bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhẹ đến trung bình với tổng số hơn 150 giường. Tỉnh đã chuyển toàn bộ hoạt động của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành sang điều trị bệnh nhân COVID-19 quy mô 100 giường, đang xây dựng mở rộng thêm 300 giường, kế hoạch xây dựng thêm cơ sở điều trị tại huyện An Phú quy mô 400 giường.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong chuyến làm việc với An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao Sở Y tế khẩn trương xây dựng chiến lược “Tháp 3 tầng” trong điều trị COVID-19 dựa trên phân loại độ nặng của bệnh. Đối với các khu cách ly tập trung, phải có sự phân luồng, kiểm soát chặt chẽ, phân loại đối tượng có nguy cơ cao (thành F0), thực hiện cách ly riêng với các F1 có nguy cơ thấp hơn để tránh lây nhiễm chéo. Tại các khu cách ly tập trung, bố trí tối thiểu 100 giường thu dung điều trị F0 không triệu chứng ngay tại chỗ, giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị An Giang tận dụng thời gian giãn cách xã hội để khống chế, bóc tách F0, mở rộng “vùng xanh” để tiến tới đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng, xây dựng cuộc sống bình thường mới…


NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích