An Giang nâng cao hiệu quả công tác dân vận

20/03/2024 - 08:26

 - Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh An Giang tập trung lãnh, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và dân vận, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Toàn tỉnh có 2.418 mô hình đăng ký với 2.386 mô hình thực hiện của tập thể, cá nhân đăng ký ở nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” trên 4 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Thiết thực, hiệu quả

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, các ngành đã tạo điều kiện để hệ thống dân vận thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng chương trình công tác dân vận bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và cấp trên.

Công tác nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề bức xúc chính đáng của Nhân dân được quan tâm. Công tác dân vận chính quyền được chú trọng, quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với phương châm “gần dân, trọng dân, hiểu dân, nghe dân nói, giải quyết kịp thời lý do chính đáng, lợi ích của dân”, tạo thuận lợi cho Nhân dân và doanh nghiệp.

Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng; có những giải pháp cụ thể, linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động thiết thực, hiệu quả.

Các phong trào thi đua của hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, như: Chương trình “Nghĩa tình Dân vận”, vận động Quỹ Vì người nghèo; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; chương trình “Mẹ đỡ đầu”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; phong trào “1 triệu sáng kiến”, “Xuân tình nguyện”, “Tháng ba biên giới”... đã góp phần cùng các địa phương chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, các trường hợp khó khăn.

Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong thi đua công tác dân vận năm 2023

Năm 2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh chi hỗ trợ gần 272 tỷ đồng để cất mới 1.909 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 167 căn; thăm hỏi, tặng quà cho 369.000 lượt hộ nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất 61.652 trường hợp; trợ giúp 18.673 học sinh; hỗ trợ 9.197 trường hợp khám bệnh; thực hiện chương trình an sinh xã hội gần 34 tỷ đồng. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tăng đồng thuận

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho rằng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu giữa nhiệm kỳ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Đồng chí Lê Văn Nưng đề nghị các cấp ủy Đảng tiếp tục có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền, trọng tâm là thực hiện hiệu quả, thực chất kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”; thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các ban chỉ đạo về công tác dân vận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy chế làm việc, kế hoạch công tác đề ra.

“Các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị cần triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề năm 2024: “An Giang học tập và làm theo Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”. Xây dựng một số mô hình mới gắn chủ đề học tập với chương trình “Nghĩa tình Dân vận” của Ban Dân vận Tỉnh ủy và các mô hình an sinh xã hội đang phát huy hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội” - đồng chí Lê Văn Nưng đề nghị.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, với cách làm sáng tạo, hướng tới mục tiêu tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả và hướng về cơ sở, nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ động nắm tình hình, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”, nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào tự quản của Nhân dân. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức tiêu biểu, mô hình hay, cách làm tốt, mới, sáng tạo về công tác dân vận gắn với sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

THU THẢO