Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ phân tích, từ năm 2011-2013, An Giang được xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất (năm 2011: 33,39 điểm; năm 2012: 33,63 điểm; năm 2013: 35,05 điểm), xếp hạng 57/63 tỉnh, thành phố. Năm 2014, Chỉ số PAPI tỉnh tăng 2,09 điểm so năm 2013, xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm trung bình thấp, với 37,14 điểm, xếp hạng 34/63 (tăng 23 bậc so với năm 2013). Năm 2015, An Giang trở về nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất với 34,27 điểm (giảm 2,87 điểm so năm 2014 (xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố).
Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành quyết tâm, nỗ lực nghiên cứu, tìm giải pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp hiệu quả, phân công trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành trong việc nâng cao, duy trì ổn định Chỉ số PAPI tỉnh, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Để quản lý, triển khai chương trình đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã thành lập Ban Điều hành chương trình 147, với 29 thành viên do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban cùng các thành viên đại diện lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND 11 huyện, thị xã, thành phố. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Điều hành.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chỉ số PAPI tỉnh An Giang những năm sau đó đạt được những kết quả tích cực, khả quan hơn. Năm 2016, đạt 35,63 điểm (tăng 1,36 điểm so năm 2015), xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố (tăng 15 bậc so năm 2015) nhưng vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình thấp. Đến năm 2017, tỉnh đạt 37,51 điểm (tăng 1,88 điểm so năm 2016), xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so năm 2016), nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao. “Đó là kết quả sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhờ đó các chỉ tiêu, nội dung thành phần và chỉ số nội dung cấu thành Chỉ số PAPI từng bước được cải thiện rõ nét”- ông Hồ nhấn mạnh.
Đến năm 2018, tỉnh vẫn duy trì ở nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao, với 44,43 điểm (trong đó có bổ sung 2 chỉ số thành phần mới là quản trị môi trường, quản trị điện tử chiếm 8,25 điểm trong 44,43 điểm). Tuy nhiên, về thứ hạng giảm 7 bậc (xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố). Trong đó đối với chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng khu vực công”, An Giang là 1 trong 7 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất. Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị môi trường”, An Giang thuộc nhóm đạt điểm cao nhất; “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Quản trị điện tử” đạt điểm thấp. So sánh kết quả năm 2017, An Giang đạt nhiều tiến bộ ở 3 chỉ số nội dung: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong 8 năm thực hiện Chỉ số PAPI (2011-2018) cũng còn nhiều tồn tại như: 6 năm (2011-2016) tỉnh thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm thấp nhất và trung bình thấp. Điều này thể hiện người dân chưa thật sự hài lòng đối với công tác điều hành của chính quyền các cấp của tỉnh. Chủ yếu ở 4 Chỉ số thành phần bị giảm điểm so với năm 2016: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong ra quyết định của địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính công. Đòi hỏi chính quyền các cấp cần nỗ lực nhiều hơn, đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu để cải thiện điểm số, thứ hạng.
Để nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư giao các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện 8 Chỉ số PAPI; Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông, gắn với đề án An Giang điện tử; đưa quy hoạch sử dụng đất lên các trang thông tin điện tử của tỉnh; triển khai chứng thực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua mạng, lồng ghép đề án An Giang điện tử, đưa internet về nông thôn. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch duy trì bộ chỉ số, kế hoạch thí điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua hệ thống thông tin điện tử; chọn TP. Châu Đốc và 1 huyện làm thí điểm; công khai quy hoạch sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Sở Xây dựng thí điểm cấp phép xây dựng qua hệ thống mạng, chọn TP. Long Xuyên và 1 huyện thí điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, tuyên truyền đến tận người dân; tập trung thông tin đến người dân các chính sách, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Giao Sở Nội vụ phối hợp UBMTTQVN tỉnh xây dựng kế hoạch liên tịch khảo sát, đánh giá nội bộ, để tăng cường chỉ đạo, nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới.
Chỉ số PAPI là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt hành chính công của tỉnh; lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với cấp chính quyền. Bằng cách đó, tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị hành chính công hiệu quả hơn. |
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU