An Giang: Nâng tầm OCOP, nâng chất nông thôn

12/10/2023 - 06:09

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. OCOP cũng là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Hướng vào thực chất

Đến nay, An Giang đã xây dựng được 92 sản phẩm OCOP, còn khá khiêm tốn so với gần 10.000 sản phẩm của cả nước. Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh An Giang Phạm Thái Bình, đối với từng sản phẩm OCOP, tỉnh và các địa phương đều thực hiện kỹ quy trình hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, đảm bảo đạt các tiêu chí theo quy định, chú trọng hiệu quả, chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Định hướng này tiếp tục được tỉnh thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025. Theo đó, An Giang sẽ phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu các địa phương, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể kinh tế và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị đặc sản địa phương

Việc tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn. Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn và chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM một cách bền vững tại địa phương.

Trong đó, chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh, đặc biệt ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ nhằm phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Nâng cao giá trị

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - cấp quốc gia. Đồng thời, củng cố và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

An Giang phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là DN nhỏ và vừa; ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Đến năm 2025, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% cán bộ các cấp (thành viên của các hội đồng, tổ giúp việc OCOP các cấp, cán bộ cấp xã), lãnh đạo DN, HTX, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc chương trình OCOP.

Trong triển khai chương trình OCOP, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ về tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm (nông, thủy sản tươi sống, sơ chế, chế biến); nhóm đồ uống (có cồn và không cồn); nhóm dược liệu (sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng); nhóm sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, động vật cảnh); nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

NGÔ CHUẨN