An Giang nâng tầm sản phẩm địa phương

16/09/2022 - 07:27

 - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân. Từ đó, giúp chất lượng sản phẩm địa phương ngày càng được cải thiện và nâng lên.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch (DL) nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP lan tỏa mạnh mẽ, được địa phương triển khai hiệu quả. Từ đó, trở thành giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM.

Đến cuối tháng 8/2022, 100% tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó 38,3% hợp tác xã, 26,1% doanh nghiệp, 33,3% cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Đến nay, các địa phương đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ DL cộng đồng và điểm DL. Chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được xúc tiến, đẩy mạnh phát triển DL nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Chương trình OCOP giúp sản phẩm địa phương khẳng định thương hiệu

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Chỉ đạo xây dựng, ban bành đề án, kế hoạch triển khai chương trình OCOP và Chương trình phát triển DL nông thôn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng nơi. Bên cạnh đó, sắp xếp, tổ chức triển khai 2 chương trình tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển sản phẩm OCOP, DL nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng và điều kiện thực tế…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi mở về ý tưởng OCOP tích hợp đa dạng sản phẩm dạng theo combo, với mục tiêu tạo việc làm cho nhiều người, có tính bao trùm, gắn kết cộng đồng nông thôn hơn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo được không gian kinh tế nông thôn (kinh tế hợp tác, bao gồm hợp tác xã, làng nghề). Cần phải chuyển từ tư duy người bán hàng sang tư duy người mua hàng; từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng. Từng bước đáp ứng xu thế tiêu dùng của thế giới thông qua đa dạng hóa chuỗi giá trị: Chế biến sâu, chế biến đa lĩnh vực, tạo được sự phong phú. Mỗi nông sản không chỉ dừng lại việc cung cấp làm thực phẩm, mà còn có thể nâng cấp lên thành dược liệu, mỹ phẩm… tối ưu hóa giá trị, giúp giải quyết việc làm.

Mục tiêu đến năm 2025, An Giang phấn đấu thêm 169 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó 11 sản phẩm 5 sao - cấp quốc gia. Bên cạnh đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 20 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ DL nông thôn; phấn đấu ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, ưu tiên sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu, triển khai chương trình OCOP phải bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu và giải pháp trọng tâm từ Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển đặc sản giá trị cao về kinh tế và văn hóa; phát huy sáng tạo, sức mạnh cộng đồng trong sản xuất và hình thành sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng. Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát và điều hành chương trình OCOP. Song song đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ chủ thể kinh tế thực hiện tốt mục tiêu, nội dung theo kế hoạch…

Gạo thơm đặc sản Thiên Vương, gạo ngon tiến vua Tiên Nữ (Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) vừa được Bộ NN&PTNT trao kết quả công nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020.

ÁNH NGUYÊN