An Giang: Nhìn lại chặng đường chống dịch bệnh COVID-19

09/01/2023 - 05:04

 - Đó là một quá trình ngắn, nhưng khẩn trương và căng thẳng, đầy mất mát lẫn yêu thương. Đôi khi nhìn lại, chúng ta tự hỏi, vì sao mình có thể vượt qua tất cả khó khăn, sóng gió trùng trùng, có thể bước tiếp dẫu rằng tưởng chừng gục ngã?

Chắt chiu và nghĩa tình

Đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang được kiểm soát tốt. Toàn tỉnh bước sang trạng thái thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, thực hiện đồng bộ chương trình phòng, chống dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để có được bình yên ấy, là những tháng ngày “thắt ngặt” về nhân lực lẫn vật lực. Trong 2 năm, tại An Giang, dịch bệnh đã làm tiêu tốn ngân sách nhà nước 2.388 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, trong đó, ngân sách địa phương “gánh” kinh phí cấp cho điều trị COVID-19 (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19, bệnh viện...), mua thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, xét nghiệm (gần 840 tỷ đồng). Kinh phí thực hiện cách ly y tế tập trung hơn 177 tỷ đồng; chi chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch trên 394 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 121 tỷ đồng; địa phương khác hỗ trợ 5 tỷ đồng). Nặng nhất là kinh phí hỗ trợ người lao động gặp khó khăn (976 tỷ đồng, riêng ngân sách địa phương chi 709 tỷ đồng, còn lại do ngân sách Trung ương cấp).

Trong bối cảnh khoản chi phát sinh, các khoản thu của tỉnh lại giảm, Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Nghị định 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp (DN), tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong một số ngành sản xuất - kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19; DN nhỏ và siêu nhỏ; DN, tổ chức có hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển… Tổng số thuế, tiền thuê đất tỉnh gia hạn từ năm 2020-2022 gần 890 tỷ đồng; tổng số giảm thuế là 127 tỷ đồng.

Cũng từ đây, tinh thần yêu thương, đoàn kết trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp nhận gần 150 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19. Nguồn tiền này tiếp sức cho người dân; lực lượng phòng, chống dịch tại khu cách ly, chốt kiểm soát biên giới; thu mua nông sản giúp nông dân... “Một miếng khi đói...”, MTTQ các cấp tiếp nhận hiện vật (lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế...) quy tiền khoảng 226 tỷ đồng, một con số lớn lao trong giai đoạn ngặt nghèo!

Làm đúng và làm trúng

Cuối năm 2021, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam... đến kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ tại tỉnh An Giang.

Qua kiểm tra, nắm tình hình thực tế, đoàn kiểm tra đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, An Giang có nhiều cách làm hay, tích cực tuyên truyền thông tin chính sách hỗ trợ đến người dân, DN. Tỉnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, người dân kịp thời, đúng đối tượng, quy định, công khai, minh bạch.

Cuối năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khảo sát, giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại các cơ sở y tế, sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát tỉnh An Giang Trình Lam Sinh khẳng định: “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc đề ra. Nhất là các nguyên tắc: Đảm bảo việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách; hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu”.

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng tỉnh đã huy động toàn bộ nguồn lực có thể, tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.  Cùng với đó, việc quản lý, sử dụng kinh phí cơ bản đúng quy định. Theo ông Lê Văn Phước, bài học kinh nghiệm lớn nhất tỉnh thu được sau “cuộc chiến” là phải lãnh, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương; huy động cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và DN tham gia.

Quan trọng không kém là phải phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức thực hiện; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa thực hiện “4 tại chỗ” với kịp thời huy động, tập trung nguồn lực ở Trung ương và địa phương, dồn lực hỗ trợ cho địa phương đang có (hoặc có nguy cơ) bùng phát dịch xử lý dứt điểm, kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất. Trong đó, sự tin tưởng, mạnh dạn trao quyền, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua cho thấy hiệu quả cao.

“Sau đợt giám sát, Đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị với Quốc hội ban hành mới các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế. Động thái này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN và người dân khắc phục, tháo gỡ khó khăn; ổn định, duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm xem xét, hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện, mua thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2020-2022 theo quy định” - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin.

An Giang ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 15/4/2021, là người nhập cảnh từ Campuchia, được cách ly điều trị ngay. Trường hợp mắc trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 29/6/2021. Đến cuối tháng 11/2022, tỉnh có 42.475 trường hợp mắc bệnh, nhưng 41.674 trường hợp điều trị khỏi; tử vong 1.415 trường hợp (3,3% so với số lượng bệnh).

GIA KHÁNH