An Giang phấn đấu giải ngân đạt ít nhất 95%

16/08/2024 - 08:24

 - Bằng nhiều cố gắng, tiến độ giải ngân từ đầu năm đến nay của An Giang cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, để đạt tiến độ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2024, cần tháo gỡ 2 vướng mắc lớn: Công tác giải phóng mặt bằng và nguồn nguyên liệu cát phục vụ công trình.

Vượt khó ngày đêm

Là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, tháng 4/2024, dự án thành phần 1 thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh An Giang) được giao bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương. Số vốn này cùng với bổ sung vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 thêm gần 589 tỷ đồng (được HĐND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định), đưa tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 lên gần 9.665 tỷ đồng, tăng hơn 1.588 tỷ đồng với đầu năm.

Dù áp lực giải ngân lớn, nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu đều nỗ lực, cố gắng, đưa tiến độ giải ngân đạt tốt. Trong đó, cả 4 gói xây lắp công trình của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang đang thi công vượt 0,16% so tiến độ. Kết quả này kéo theo lũy kế giải ngân đến hết tháng 6 được gần 3.288 tỷ đồng, đạt hơn 34% vốn kế hoạch năm 2024 (nếu không tính phần vốn bổ sung vào tháng 4, kết quả giải ngân đạt 40,7%). 

Điểm sáng đáng ghi nhận là nếu như trước đây, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giải ngân chậm thì nửa năm nay, tiến độ giải ngân đạt tốt, với giá trị giải ngân gần 202 tỷ đồng, đạt 45,6%. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân gần 122 tỷ đồng, đạt 46,8%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân hơn 64 tỷ đồng, đạt 54,3%; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân gần 15,8 tỷ đồng, đạt 24,8%.

Trên bình diện cả nước, theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc đã hoàn thành 2.021km. Trong số 1.700km cao tốc đang thi công trên khắp mọi miền đất nước, có khoảng 1.200km được tập trung quyết liệt để hoàn thành vào năm 2025.

Cụ thể, 736km có điều kiện thuận lợi sẽ được hoàn thành trong năm 2025; còn 377km cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành trong năm 2025. Như vậy, nếu khắc phục được khó khăn, đến năm 2025 cả nước sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu 3.000km cao tốc mà Trung ương giao.

“Các công trình triển khai, hoàn thành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho địa phương có dự án đi qua, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, góp phần giải ngân đầu tư công, thúc đẩy động lực tăng trưởng, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Gỡ những “nút thắt”

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm cho biết, tỷ lệ giải ngân hơn 34% là cao hơn bình quân cả nước (29,4%) và cao hơn cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 15,2%, năm 2022 đạt 28,1%, năm 2023 đạt 30,4%). Tuy nhiên, qua kết quả làm việc và kiểm tra của các đoàn kiểm công trình trọng điểm với chủ đầu tư, trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn còn gặp một số khó khăn nhất định.

Khó khăn chung của An Giang và nhiều công trình trọng điểm phía Nam là nguồn cát khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Cụ thể, qua làm việc với 13 chủ đầu tư chiếm tỷ trọng 91,4% kế hoạch vốn năm 2024, nhu cầu về nguồn cát cần bố trí năm nay khoảng 11,4 triệu m3 (172 dự án), tập trung nhiều nhất là lĩnh vực giao thông, với 9,7 triệu m3 (34 dự án). Tuy nhiên, lượng cát thực tế được bố trí thấp hơn nhiều so nhu cầu.

Khó khăn khác là vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là dự án trọng điểm về giao thông, nông nghiệp, như: Dự án nâng cấp mở rộng khẩn cấp Đường tỉnh 948, thuộc tuyến quốc phòng - an ninh vùng biên giới và dân tộc (giai đoạn 2); nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941 (đoạn từ cầu số 16 đến ngã 3 giao nhau giữa đường 3/2 và đường Hùng Vương); nâng cấp Đường tỉnh 958 (tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy); dự án tuyến tránh Đường tỉnh 951 (đoạn từ Km8+550 đến Km15+950); đường Kênh Long Điền A - B; dự án kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới; dự án cầu Đa Phước - Vĩnh Trường...

Tập trung nhiệm vụ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2024, sở, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhằm phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tập trung tối đa nguồn lực cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua An Giang) và các dự án trọng điểm của tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản ở mỏ cát theo nội dung cấp bản xác nhận.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cát, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao tiếp tục rà soát, báo cáo kịp thời nguyên, vật liệu, nhất là nguồn cát gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, để tham mưu UBND tỉnh phân cho từng dự án được kịp thời. Dự kiến, UBND tỉnh sẽ tổ chức buổi họp chuyên đề tháo gỡ khó khăn về nguồn cát.

Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tỉnh và cấp huyện, tìm giải pháp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng với hộ dân, để sớm có mặt bằng tổ chức triển khai thi công dự án. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tập kết vật tư, nhân công, máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với chất lượng công trình; nghiệm thu ngay khi có khối lượng hoàn thành để sớm thanh toán, giải ngân, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2024, đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả.

Các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm (thành lập theo Quyết định 966/QĐ-UBND, ngày 12/6/2024 của UBND tỉnh) tiếp tục tổ chức kiểm tra trực tiếp chủ đầu tư, dự án có khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn.

NGÔ CHUẨN