Phòng khám nhân đạo huyện đầu nguồn
Ghi nhận tại Hội Đông y xã Phú Hữu (huyện An Phú), chúng tôi chứng kiến sự đổi thay về cơ sở vật chất và nỗ lực điều trị bệnh của y, bác sĩ nơi đây. Năm 1993, phòng khám rất đơn sơ, “ở nhờ” trong khuôn viên Trạm Y tế xã. Nay Trạm Y tế xã được nâng cấp, phòng khám nhờ vậy được xây dựng khang trang hơn.
Kinh tế chủ yếu dựa vào làm nông, chăn nuôi và mua bán nhỏ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, điều kiện khám, chữa bệnh bị hạn chế. Do vậy, phòng khám nhân đạo tại địa phương mở ra nhiều cơ hội chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người dân.
Tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác phát triển hội đông y
Năm 2022, phòng khám tiếp nhận 17.545 lượt bệnh nhân, riêng 6 tháng đầu năm 2023 là 23.180 lượt; cấp gần 400.000 thang thuốc, gần 4,8 tỷ đồng. Để tạo nguồn thuốc thường xuyên, phòng khám mở rộng diện tích trồng dược liệu (9.000m2), xây dựng sân phơi, kho chứa dược liệu, tủ thuốc… kinh phí 280 triệu đồng.
Cùng với đó, xây dựng 3 phòng chẩn trị ấp, phát triển lực lượng chuyên môn, với 3 lương y sơ cấp (do Trung tâm Đông y - Châm cứu tỉnh đào tạo) và 2 trợ y thường xuyên, phát triển 12 hội viên chính thức và 15 hội viên tán trợ.
Tấm lòng yêu thương
Mô hình "2 An" (An ninh trật tự và An sinh xã hội) do Công an tỉnh phối hợp Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) thực hiện, bao gồm kế hoạch xã hội hóa y tế. Ban Trị sự PGHH thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân) đưa Phòng khám nhân đạo y học cổ truyền vào hoạt động từ tháng 11/2022 (diện tích 120m2, kinh phí xây dựng 430 triệu đồng, do doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương đóng góp), gồm: Phòng xem mạch, nơi hốt thuốc nam, bắc; phòng bệnh nam, nữ. Đây là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí, bác sĩ, lương y còn động viên tinh thần bệnh nhân, giúp họ nhanh chóng phục hồi, trở về cuộc sống đời thường.
“Đối với những người tình nguyện đến đây làm việc, mỗi ngày đón tiếp bệnh nhân là một ngày trao yêu thương. Nhân sự của phòng khám khoảng 23 người, trung bình tiếp nhận từ 40 - 70 lượt bệnh nhân/ngày, không phân biệt hoàn cảnh, họ đều được tư vấn đầy đủ, tận tình.
Sau khi khám bệnh chẩn đoán, người bệnh được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, sử dụng dòng điện sinh học tác động huyệt vị, bó thuốc, kê toa thuốc đông - tây y trong điều trị. Mọi người phục vụ với tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi thù lao trợ cấp” - ông Nguyễn Thành Út (Trưởng ban điều hành phòng khám) chia sẻ.
Kiện toàn nhân sự tại huyện cù lao
Ghi nhận tại Hội Đông y huyện Chợ Mới, các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chuyên môn y dược cổ truyền tạo nên hệ thống đông y xã, phường, thị trấn vững mạnh. Toàn huyện có 18 hội đông y cấp xã, 46 chi hội trực thuộc, 52 phòng chẩn trị đông y, 873 hội viên.
Thường trực hội tạo nhóm Zalo kết nối ủy viên Ban Chấp hành, nhóm thầy thuốc đông y toàn huyện và các thành viên chi hội cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn về công tác quản lý, điều hành hội, hoặc hướng dẫn chuyên môn cho lực lượng thầy thuốc.
Bên cạnh đó, Hội Đông y huyện rà soát hồ sơ chi hội trực thuộc, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhân sự theo yêu cầu thực tế từng địa phương; tổ chức hội nghị, hội thảo luân phiên tại hội đông y cơ sở, thảo luận chuyên đề, chia sẻ bài thuốc hay, cây thuốc quý, giúp nâng cao vai trò quản lý điều hành đối với Chủ tịch Hội Đông y xã, thị trấn.
Cùng với đó, mở sổ theo dõi lực lượng thầy thuốc trong huyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, trình độ chuyên môn, tay nghề, từ đó sắp xếp vị trí làm việc phù hợp; tư vấn học tập liên thông, chuẩn hóa tay nghề. Liên kết cơ sở đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền trong và ngoài tỉnh tư vấn, giới thiệu cho hội viên, thầy thuốc theo học khóa ngắn và dài hạn, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề…
Những nỗ lực của hội đông y cơ sở góp phần cùng Hội Đông y tỉnh An Giang thực hiện thành công Chỉ thị 24-CT/TW, hướng đến mục tiêu đoàn kết, tương trợ xây dựng hội đông y vững về tư tưởng chính trị, mạnh về tổ chức hoạt động, đẹp về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn học thuật.
NGỌC GIANG