Thời gian qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp, ngành, hỗ trợ tích cực của các đơn vị, DN, công tác chỉ đạo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐCS ngoài khu vực nhà nước dần khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và tình trạng thu hẹp sản xuất, cắt giảm đơn hàng ở một số DN.
Toàn tỉnh An Giang có 235 CĐCS, nghiệp đoàn khu vực ngoài nhà nước, với 45.675 đoàn viên/53.541 công nhân, viên chức, NLĐ. Trong đó, 9 CĐCS có 100% vốn nước ngoài, 2 CĐCS liên doanh nước ngoài, 173 CĐCS DN có vốn đầu tư trong nước, 13 CĐCS sự nghiệp ngoài công lập, 3 CĐCS hợp tác xã, 13 nghiệp đoàn và 22 CĐCS loại hình khác. Các CĐCS ngoài khu vực nhà nước hiện có 1.638 cán bộ công đoàn, chiếm tỷ lệ 3,5%/45.675 đoàn viên công đoàn.
Không chỉ là điểm tựa cho đoàn viên, NLĐ ở cơ sở, tổ chức công đoàn trong DN còn giúp người sử dụng lao động nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Từ đó, có những chính sách hỗ trợ phù hợp hơn, đảm bảo lợi ích và quan hệ lao động hài hòa. Lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy DN phát triển bền vững.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH NV Apparel (Khu công nghiệp Bình Hòa) Trừ Thị Tuyết Vui cho biết, hàng năm, công ty tạo điều kiện cho NLĐ tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm, duy trì lễ tri ân hàng năm để cảm ơn NLĐ, tặng quà kỷ niệm ngày thành lập công ty, tổ chức hoạt động team building để công nhân viên giải trí và gắn kết, tổ chức chương trình ca múa nhạc có thưởng...
Các mô hình của công đoàn theo hướng đổi mới, thiết thực được đưa vào doanh nghiệp để chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Bên cạnh quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho đoàn viên, LĐLĐ tỉnh An Giang còn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đưa vào CĐCS mô hình "3 An": An tâm, an toàn, an ninh. Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ (huyện Thoại Sơn) Tôn Phước Hào cho biết, từ khi hoạt động, mô hình đã giúp CĐCS, chủ DN kịp thời nắm bắt tư tưởng của NLĐ và kiến nghị công ty khắc phục rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa CĐCS và DN, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ hơn. Sự ra đời và hoạt động của mô hình “3 An” trong thời điểm hiện tại đã góp phần tích cực trong việc bổ sung các nhiệm vụ cụ thể cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh của DN. Qua đó, làm cơ sở tuyên truyền cho NLĐ thấy được tầm quan trọng khi gia nhập tổ chức công đoàn để được bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho chính mình.
5 năm qua, các CĐCS DN khu vực ngoài nhà nước được đánh giá đã nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức ảnh hưởng, qua thể hiện vai trò của tổ chức. Đặc biệt trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cán bộ CĐCS phối hợp công đoàn cấp trên và DN kịp thời hỗ trợ đoàn viên, NLĐ mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh An Giang Phan Thị Diễm thông tin, trong nhiệm kỳ, chất lượng đội ngũ chủ tịch CĐCS khu vực ngoài nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nội dung cốt lõi của CĐCS từng bước đi sâu vào việc đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Trong đó có việc tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đối thoại, hội nghị NLĐ, cải thiện bữa ăn ca, đảm bảo tiền lương, các phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ…
Cán bộ CĐCS DN ngoài khu vực nhà nước luôn được quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng. Các cấp công đoàn đã dành tổng kinh phí gần 7,6 tỷ đồng chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với lực lượng này trong 5 năm qua.
Kết quả xây dựng CĐCS hoàn thành tốt nhiệm vụ được giữ vững tỷ lệ, đồng thời chất lượng xếp loại CĐCS ngày càng đi vào thực chất. Năm 2019 đến nay, tỷ lệ CĐCS DN khu vực ngoài nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 65 - 87%. Cùng với đó, có trên 50 cán bộ là đảng viên được cơ cấu giữ chức vụ chủ tịch CĐCS ngoài khu vực nhà nước, trong đó 19 trường hợp tham gia cấp ủy cùng cấp.
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng hiện nay một bộ phận NLĐ trong các DN ngoài khu vực nhà nước chưa “mặn mà” gia nhập công đoàn. Một số DN thiếu sự ủng hộ của người sử dụng lao động đối với hoạt động công đoàn tại DN. Phần lớn cán bộ công đoàn trong DN chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi NLĐ, còn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Mặt khác, việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong DN còn khó khăn. Cơ chế, chính sách đãi ngộ cho cán bộ CĐCS chưa phù hợp…
Một trong những giải pháp đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa về công đoàn. Cùng với đó, chú trọng việc tiếp cận, tuyên truyền, vận động chủ DN để tạo sự đồng thuận, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển đoàn viên, CĐCS trong DN. Cán bộ CĐCS cần được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt chú trọng kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Một kinh nghiệm nữa được LĐLĐ tỉnh chỉ ra, là quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ chủ tịch CĐCS ngoài khu vực nhà nước; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích tiêu biểu…
MỸ HẠNH