An Giang phòng, chống bệnh lao

06/05/2024 - 06:09

 - Lao là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ bừa bãi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2022), Việt Nam là quốc gia có gánh nặng bệnh lao đứng hàng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.

Bộ Y tế ghi nhận trung bình hàng năm có 170.000 người mắc lao, 12.000 người tử vong. Điều rất đáng lo ngại là chỉ mới 60% người mắc lao trong cộng đồng được phát hiện, đưa vào quản lý điều trị; 40% còn lại không được chẩn đoán trong cộng đồng, hoặc đã được chẩn đoán bệnh nhưng không được báo cáo trong hệ thống lao quốc gia.

Đây chính là mầm mống làm lây lan bệnh lao, lao kháng thuốc trong cộng đồng. Trong số người mắc lao, trên 70% ở độ tuổi lao động, chi phí điều trị chiếm 20% tổng thu nhập của hộ gia đình hàng năm, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chiến lược 2x được Bộ Y tế phát động từ năm 2020 đến nay với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, đã mở ra bước đột phá mới trong tầm soát, phát hiện sớm bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn và lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Giai đoạn 2019 - 2023, An Giang khám, phát hiện được 34.961 ca lao, chiếm tỷ lệ 1,8% dân số; thu nhận, điều trị 5.693 ca (5.467 ca lao các thể, 226 ca lao kháng thuốc); phát hiện lao tiềm ẩn cho 14.183 người tiếp xúc và người nguy cơ, chẩn đoán 2.174 người và tư vấn đưa vào điều trị 1.392 người (chiếm tỷ lệ 64,2%).

Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo phòng, chống bệnh lao

Tại huyện Phú Tân, năm 2023, chiến lược này đã tổ chức tầm soát, khám 3.045 người thuộc nhóm nguy cơ, phát hiện 350 người mắc lao có bằng chứng vi khuẩn học (8,7%), tỷ lệ phát hiện cao hơn nhiều so với cách soi đờm trực tiếp. Huyện Chợ Mới cũng có tỷ lệ mắc bệnh lao khá cao.

Năm 2023, có 3.403 người đến Trung tâm Y tế huyện khám, thử đàm, tầm soát lao, phát hiện 596 ca dương tính. Điển hình như tại Trạm Y tế xã Long Giang, hàng tháng khám và điều trị 38 ca mắc bệnh lao thu dung; điều trị khỏi 17 ca, số còn lại hiện đang quản lý và cấp thuốc hàng tuần. Bệnh nhân bỏ điều trị, có thời gian điều trị không tốt sẽ được tư vấn tại nhà hoặc nhắn tin, gọi điện.

 Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên quản lý điều trị 1.311 bệnh nhân lao; trong 5.618 người đến khám thử đàm tầm soát lao, phát hiện 435 ca dương tính. BS Huỳnh Cao Quang Phương chia sẻ: “Bình quân một ngày, trung tâm thu nhận 20 - 30 ca bệnh lao, trong đó xét nghiệm phát hiện bệnh 10 - 20 ca, còn lại thu dung hoặc đến tái khám lấy thuốc. Bệnh thu dung lần đầu tại trung tâm y tế, xong chuyển về trạm y tế phường, xã theo dõi, phát thuốc theo toa chỉ định và quản lý bệnh nhân”.

Cũng theo BS Phương, bệnh lao có thể gây tổn thương nhiều bộ phận cơ thể. Phổ biến nhất là lao phổi, chiếm tỷ lệ 80 - 85%, là nguồn lây nhiễm chính. Khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc nói chuyện, vi khuẩn lao sẽ phát tán ra môi trường bên ngoài. Các triệu chứng nghi lao phổi, gồm: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, có đờm hoặc ho ra máu); có thể kèm dấu hiệu gầy, sút cân, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Chụp X-quang tầm soát lao tiềm ẩn

Nếu trước đây, người trung niên, người già là đối tượng mắc bệnh chủ yếu, thì nay trẻ hóa dần. Người có nguy cơ cao bị bệnh lao là: Người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi (sống chung trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm); người mắc bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, suy thận mạn, bụi phổi); người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (ung thư, nhiễm HIV, điều trị corticoid…); người nghiện rượu, hút thuốc lá, đã có tiền sử điều trị lao.

Người lao động quá sức, suy giảm miễn dịch dễ mắc lao, như: Thợ hồ, giáo viên, thợ hàn, tài công, tài xế thức đêm, nhân viên y tế... Nếu có triệu chứng nghi ngờ lao, hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh lao, cần đến trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện để được khám, chỉ định làm xét nghiệm cần thiết.   

BS Văn Hiển Tài (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang) cho biết: “Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi, khi bệnh nhân tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình điều trị. Cụ thể, dùng phối hợp thuốc chống lao, uống thuốc đúng liều, đủ thời gian quy định; không tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc; tái khám đúng hẹn, làm đủ xét nghiệm trong quá trình điều trị; tập luyện, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để nâng sức chống đỡ với bệnh; không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Người mắc bệnh lao không cần cách ly, chỉ cần đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn còn lây (thường trong tháng đầu điều trị); vệ sinh ho khạc đúng cách”.

Theo Sở Y tế An Giang, rào cản thường gặp làm hạn chế việc tầm soát, thu dung các đối tượng nguy cơ là tư tưởng giấu bệnh, không muốn người khác biết, sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn, giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, sợ mọi người xa lánh. Từ sự mặc cảm, tự ti, ngại đến cơ sở y tế công lập, họ đã tự điều trị. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc, điều trị rất tốn kém, hiệu quả không cao.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang khẳng định, để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, đòi hỏi phải có sự phối hợp, tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động. Phải để mọi người dân hiểu rằng, bệnh lao tuy rất dễ lây, nhưng hoàn toàn có thể chữa trị khỏi nếu được phát hiện sớm, thu dung, quản lý, điều trị kịp thời. Người bệnh phải tuân thủ đầy đủ quy định trong suốt quá trình điều trị theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

HẠNH CHÂU