An Giang quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

29/02/2024 - 05:47

 - Năm 2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên 6.968 tỷ đồng, đạt 90,68%. Mặc dù tỷ lệ giải ngân của An Giang vẫn thấp hơn yêu cầu đề ra (trên 95%), nhưng đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện.

Toàn tỉnh An Giang có 39 đơn vị là sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố có sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Tính đến ngày 31/1/2024, có 19 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh, trong đó 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95% (có vốn từ 50 tỷ đồng trở lên) là: Công an tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên; UBND các huyện An Phú, Thoại Sơn, Châu Thành.

Đồng thời, có 20 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh, như: Ban Quản lý Khu kinh tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Trường Cao đẳng Y tế; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Theo UBND tỉnh An Giang, tỷ lệ giải ngân gần đạt so yêu cầu đề ra, nhưng chưa giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Các dự án còn vướng công tác triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông và nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước trao Bằng khen các tập thể có thành tích trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trên 8.029 tỷ đồng, tăng gần 381 tỷ đồng so năm 2023 (kế hoạch vốn năm 2023 trên 7.648 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 3.686 tỷ đồng, gồm vốn trong nước hơn 3.484 tỷ đồng bố trí cho 12 dự án (10 dự án chuyển tiếp và 2 dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng như dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1); vốn ngoài nước trên 202 tỷ đồng, bố trí thực hiện dự án nâng cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản - Nhi An Giang.

Vốn ngân sách địa phương năm 2024 gần 4.343 tỷ đồng, bố trí thực hiện theo ngành và lĩnh vực 160 dự án, để chuẩn bị đầu tư 4 dự án, khởi công mới 40 dự án, chuyển tiếp 116 dự án. Đồng thời, bố trí thực hiện nhiệm vụ: Trả nợ gốc và lãi vay, hoàn trả thu hồi vốn ngân sách Trung ương, công nợ sau quyết toán.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, có phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi từng dự án, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 29/2/2024 để theo dõi, tổng hợp báo cáo.

Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo hồ sơ thủ tục; thanh toán, quyết toán vốn kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Triển khai thi công dự án phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả sau đầu tư. Chủ động rà soát và đề xuất khối lượng cát đảm bảo cho các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm”. 

Đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn đầu tư

Đánh giá kết quả thực hiện vốn đầu tư công năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước biểu dương 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95% và 12 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu 20 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh phải tổ chức rút kinh nghiệm để năm 2024 thực hiện tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, năm 2024 là năm then chốt, tăng tốc phấn đấu để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025.

Do đó, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và Chủ tịch UBND các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, tăng cường lãnh, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

“Tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là “vốn mồi”, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm điểm, phê bình các trường hợp không hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời các điển hình trong tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn”- đồng chí Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2024.

HẠNH CHÂU