Cơ bản kiểm soát
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết, từ ngày 15-4 đến 4-8 đã ghi nhận 417 ca dương tính COVID-19 (2 tái dương tính). Trong đó, phát hiện 370 trường hợp trong tỉnh, 47 trường hợp nhập cảnh; điều trị khỏi bệnh 164 trường hợp, đang điều trị 250, chuyển tuyến 2… Các trường hợp phát hiện mới đều được cách ly, giám sát chặt chẽ. Toàn tỉnh đang cách ly tập trung 2.997 trường hợp, cách ly tại nhà và nơi cư trú 4.108 trường hợp, tất cả được giám sát và theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Ghi nhận ở các địa phương cho thấy, tinh thần chống dịch của người dân được nâng lên rất cao. Người dân chấp hành nghiêm việc “ai ở đâu ở đó”, tuân thủ quy định kiểm soát “phiếu đi chợ” 2 ngày/tuần, các chợ thực hiện nghiêm việc giãn cách, các tiểu thương mua bán theo lịch chẵn/lẻ, phun xịt khử khuẩn vào cuối tuần…
Tình hình an ninh trật tự tại địa phương trong thời gian giãn cách xã hội được đảm bảo. Tổ kiểm tra liên ngành tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến ngày 3-8, phát hiện 29.571 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 25.652 trường hợp, cảnh cáo 535 trường hợp, xử phạt 3.384 trường hợp với số tiền gần 2,5 tỷ đồng…
Kiểm tra người dân ra đường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: H.C
Sáng 3-8, trong khi tuần tra, kiểm soát, Đội phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú phát hiện Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1978, ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Sơn, TX. Tân Châu), từ TX. Tân Châu qua làm công trình xây dựng nhà ở tại thị trấn An Phú. Qua test nhanh, Toàn có kết quả âm tính. Từ lời khai của Toàn còn có 3 người từ địa phương khác đang làm chung công trình. Đội phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Toàn, vì di chuyển từ địa phương khác đến không phải lý do cấp thiết theo quy định giãn cách xã hội; đồng thời kiểm tra, xử lý những người đi cùng...
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, qua 20 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa số người dân đã ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, tin tưởng vào chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước. Người dân tự giác thực hiện giãn cách, hạn chế ra đường khi không cần thiết; khi ra đường đều mang khẩu trang, không tập trung đông người...
Việc phân luồng vận chuyển tạo thuận lợi cho hàng hóa được thông suốt, đảm bảo cung ứng. Giá cả thị trường bình ổn, không gây xáo trộn trong việc mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Cùng với đó, hoạt động từ thiện xã hội diễn ra mạnh mẽ, tổ chức nhiều mô hình, như: “Cửa hàng 0 đồng”, cung cấp rau, củ và các thực phẩm thiết yếu, cây “ATM gạo”, tổ vận chuyển cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu… kịp thời hỗ trợ người dân.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm khu vực giãn cách xã hội. Ảnh: H.H
Quyết liệt chống dịch
Trước diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, xuất hiện nhiều biến chủng mới và lây lan nhanh, trong khi vẫn còn một số người dân chưa ý thức, tự giác thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg còn ra đường không cần thiết. Nhất là, nhiều ca bệnh COVID-19 gần đây có liên quan các tài xế vận chuyển hàng hóa đường dài, người tham gia vận chuyển hàng hóa đường thủy; lịch trình di chuyển và tiếp xúc của những người này phức tạp, gây khó khăn trong công tác truy vết, khoanh vùng ổ dịch; nhiều ca bệnh phát hiện sau thời gian cách ly, sau khi xét nghiệm từ 3-4 lần...
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có thể áp dụng các biện pháp cao hơn, phù hợp thực tiễn địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú đến hết ngày giãn cách xã hội 15-8 (trừ những người được chính quyền cho phép). Vận động gia đình có người thân đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đang giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần “ai ở đâu ở đấy”...
Tiêm ngừa vaccine COVID-19. Ảnh: THANH HÙNG
Để đảm bảo chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19, Sở Y tế tổ chức tốt mạng lưới theo mô hình tháp 3 tầng điều trị; tập trung ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng. Tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vaccine… và xem tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách nhất hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, chỉ đạo công khai, minh bạch, kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Công an tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch bệnh…
Để tăng tốc độ và tăng diện bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu xem công tác tiêm ngừa là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách nhất hiện nay. Đối với tiêm vaccine phòng COVID-19 (đợt 3), từ ngày 26 đến 4-8, có 41.590 người đến tiêm, đã tiêm được 37.179 người (89,39%), còn lại hoãn tiêm, vắng mặt... Trong đó, 19.373/21.590 người tiêm mũi 1 (đạt 89,70% tiến độ), 17.806/20.000 người tiêm mũi 2 (đạt 89% tiến độ). |
HỮU HUYNH