Trách nhiệm của các tư lệnh ngành
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì ở mức khá cao là nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đưa GRDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,39%, quý II tăng 7,9%).
Với GRDP bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,6%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2023 (tăng 6,5%) và bình quân cả nước (6,42%), tốc độ tăng trưởng của An Giang đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố cả nước và thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (sau các tỉnh Trà Vinh 10,27%, Hậu Giang 8,04%, Cà Mau 6,97%, Kiên Giang 6,84%).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng cho các sở, ngành, địa phương
Mặc dù GRDP 6 tháng tăng khá nhưng vẫn chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên những tháng còn lại của năm 2024, bởi muốn đạt tốc độ tăng trưởng cả năm thấp nhất 7,5% (chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 7,5 - 8,5%), GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng ít nhất 8,3%. Nếu phân chia theo từng khu vực tăng trưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải tăng trên 4% (6 tháng đầu năm tăng 2,84%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trên 12,8% (6 tháng đầu năm tăng 12,13%); khu vực dịch vụ tăng 11% (6 tháng đầu năm tăng 7,61%).
“Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nhận diện rõ khó khăn, dư địa phát triển để đề ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm, trong đó từng thủ lĩnh ngành gợi ý thêm khả năng để đạt tăng trưởng từng khu vực” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.
Theo đánh giá của lãnh đạo một số sở, ngành, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khả năng sẽ đạt tăng trưởng từng khu vực theo kế hoạch năm 2024. “Trước tình hình thị trường xuất gạo thuận lợi, giá lúa duy trì ở mức khá, ngành nông nghiệp cùng các địa phương quyết tâm bảo vệ thu hoạch ăn chắc và tiêu thụ hết lượng lúa vụ hè thu, đồng thời chuẩn bị tốt điều kiện xuống giống vụ thu đông 2024. Nếu thời tiết thuận lợi, vụ thu đông sẽ đạt sản lượng gần 1 triệu tấn, đưa tổng sản lượng lúa cả năm khoảng 4 triệu tấn.
Trong khi đó, ngành cá tra đang dần phục hồi; chăn nuôi phát triển ổn định; dự báo năm nay “lũ đẹp” nên người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản thuận lợi hơn, đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm đánh giá.
Ghi nhận 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của An Giang ước đạt 643 triệu USD, tăng 6,4% so cùng kỳ. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm, các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều xuất khẩu thuận lợi, trong khi sản xuất công nghiệp trong tỉnh tiếp tục phát triển, xây dựng được đẩy mạnh, khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng.
Nỗ lực ở mức cao nhất
Lợi thế thị trường lớn của An Giang tiếp tục được phát huy khi doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 111.943 tỷ đồng, tăng 14,32% so cùng kỳ. An Giang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của du khách khi chỉ trong nửa năm, tỉnh đã đón khoảng 7 triệu lượt khách tham quan, du lịch (DL), tăng 16% so cùng kỳ và đạt 78% kế hoạch năm 2024.
Điều đáng phấn khởi là chi tiêu bình quân chung của một lượt khách DL tại An Giang tăng lên 1.965.000 đồng, đưa tổng doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so cùng kỳ và đạt 129% kế hoạch cả năm. Tỉnh đang tập trung thay đổi tư duy làm DL từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển DL bền vững, thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú, vận tải kho bãi, vui chơi giải trí tiếp tục tăng trưởng cao, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng của ngành dịch vụ. Theo dự báo, khu vực dịch vụ sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024.
Trên cơ sở dự báo thuận lợi, khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 ít nhất 7,5%. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch chung, chủ động rà soát các quy hoạch cụ thể về xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh phát sinh sai phạm như thời gian qua.
Các chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị liên quan đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó lưu ý 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nguồn cát và mặt bằng, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao các sở, ngành tập trung nghiên cứu triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản); hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; quy định về đất trồng lúa... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả giá trị đất đai.
Các sở, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm giảm các loại tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu và tai nạn giao thông; chuẩn bị và tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh đảm bảo đúng kịch bản, đúng mục đích, an toàn và tiết kiệm...
NGÔ CHUẨN