Trước các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 tại TP. Hà Nội và một số địa phương, nhất là nguy cơ bùng phát do biến chủng mới Omicron, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn cho nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; đồng thời, thực hiện Công điện hỏa tốc 28/CĐ-TTg, ngày 11-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-BYT, ngày 12-1-2022 của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 Nguyễn Thanh Bình tỉnh chỉ đạo:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của tỉnh, nhất là biện pháp "5K" và đặc biệt là nâng cao ý thức người dân bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình, cộng đồng và các biện pháp ứng phó với biến chủng mới Omicron, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác; tăng cường việc điều trị tại nhà theo hướng dẫn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế đối với người nhiễm COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe... Thường xuyên tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh, không được chủ quan dù đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản hoặc liều bổ sung, nhắc lại; tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; không tập trung đông người, tụ tập tổ chức tiệc tùng vào dịp cuối năm, trong đó yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Các địa phương căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch, ban hành các biện pháp hành chính phù hợp, trong đó lưu ý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép phục vụ thức uống có cồn nhưng phải tuân thủ thực hiện giải pháp "5K" , đặc biệt đảm bảo khoảng cách giữa các bàn, trong cùng 1 bàn; chủ quán, người phục vụ và khách phải được tiêm đủ liều vaccine cơ bản; tăng cường tuyên truyền khuyến cáo người dân hạn chế tổ chức tiệc tùng mừng Tất niên, họp mặt vào dịp cuối năm.
Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh đề ra; tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch; đồng thời kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở.
3. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an địa phương phối hợp UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, quản lý công tác tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa người xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế:
a) Về công tác giám sát dịch bệnh
Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.
Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết để kịp thời xử trí ngay khi có dịch xảy ra trên địa bàn; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết theo quy định về tình hình dịch bệnh; tình hình khám, chữa bệnh, cấp cứu tai nạn; ngộ độc thực phẩm, cung ứng thuốc…; bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.
b) Về công tác khám, chữa bệnh
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực COVID-19. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; kịp thời cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện.
Nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới. Củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh tại cộng đồng, điều phối chuyển tuyến.
Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đủ lượng ô-xy y tế; có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu.
Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.
c) Về công tác an toàn thực phẩm
Phối hợp BCĐ liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, các sở, ban, ngành liên quan triển khai phổ biến quy định, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
d) Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp ngành y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch, nâng cao cảnh giác của người dân trước biến thể Omicron; phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân; nâng cao ý thức của người dân về việc tiêm đủ vaccine xét nghiệm, cách ly, điều trị, nhất là thực hiện nghiêm giải pháp "5K" trong phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo an toàn thực phẩm và tự giác thực hiện các hành vi nâng cao sức khỏe trong dịp Tết.
Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.
HỮU HUYNH