An Giang tăng trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công

17/05/2023 - 05:47

 - Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo, trách nhiệm của chủ đầu tư thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao. Ngược lại, nơi nào lơ là, không bám sát công trình, dự án để đốc thúc nhà thầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì tiến độ thi công thường bị chậm, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp.

Phát huy vai trò chủ đầu tư

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngày 4/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký Quyết định 416/QĐ-UBND, thành lập các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023. Các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra; thành viên tham gia là lãnh đạo sở, ngành liên quan.

Theo thực tế kiểm tra, không phụ thuộc vào số lượng công trình, nguồn vốn phân bổ ít hay nhiều, mà tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư. Điển hình như 6 công trình đang triển khai thi công tại huyện Châu Phú. Ngoại trừ những vướng mắc, như: Giao mặt bằng trễ, vướng đường dây điện giăng ngang sân trường, điều chỉnh dự án… thì đa phần công trình đều được khẩn trương thi công, tiến độ đạt tốt.

Các công trình trên địa bàn huyện Châu Phú được khẩn trương thi công

Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư và xây dựng khu vực huyện Châu Phú Nguyễn Phước Lăng cho biết, năm 2023, tỉnh bố trí cho huyện 12 dự án, tổng vốn 63,3 tỷ đồng; giải ngân đến ngày 10/5 đạt gần 21,1 tỷ đồng (tỷ lệ 33,3%). Huyện bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 gồm 87 dự án, tổng vốn hơn 46,7 tỷ đồng; giải ngân đến ngày 10/5 đạt hơn 11,7 tỷ đồng (tỷ lệ 25,2%). Kết quả này có được nhờ BQLDA luôn sát sao, đồng hành cùng nhà thầu, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Động viên địa phương làm tốt

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Lâm, đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2023, huyện Châu Phú được bố trí 17 dự án, tổng vốn gần 32 tỷ đồng. Đến ngày 10/5, huyện đã phê duyệt 4 dự án, còn 13 dự án đang thực hiện thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có giá trị giải ngân. Nguyên nhân do huyện giao các dự án NTM về cho cấp xã quản lý. “Các xã đang khẩn trương thực hiện thủ tục, dự kiến đến tháng 6 năm nay sẽ triển khai được” - ông Lâm khẳng định.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Châu Phú, lãnh đạo sở, ngành đều đánh giá cao nỗ lực của huyện khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân của tỉnh (4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân của huyện Châu Phú đạt hơn 25%, còn của tỉnh là 10,2%). Đây là kết quả từ sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị huyện tiếp tục phát huy kết quả này, tăng cường vai trò người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát công trình, tính toán hiệu quả dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Người đứng đầu phải vào cuộc

Tại huyện Châu Thành, tiến độ giải ngân lại đạt khá thấp. Theo UBND huyện, năm 2023, đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý trên địa bàn huyện, đã giải ngân 13 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,8% tổng nguồn vốn phân bổ (gần 167 tỷ đồng). Riêng nguồn vốn năm 2022 chưa giải ngân hết, chuyển sang năm 2023 gồm 2 công trình, tổng vốn 1,4 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn ngân sách huyện, tổng vốn đầu tư công năm 2023 gần 40 tỷ đồng, đã giải ngân gần 6,8 tỷ đồng, tỷ lệ 17,4%. Về nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2023, Trung ương phân bổ trên địa bàn huyện gần 36,5 tỷ đồng, đều chưa có giá trị giải ngân. Nguồn vốn năm 2022 chuyển sang 2023, đã giải ngân 8,2 tỷ đồng, đạt 62,9% so tổng nguồn vốn (hơn 13 tỷ đồng).

Đoàn công tác tỉnh An Giang kiểm tra công trình trên địa bàn huyện Châu Thành

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy dẫn đầu đoàn công tác tỉnh đến khảo sát thực tế 2 công trình (Trường Tiểu học “A” Vĩnh Hanh và Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Châu Thành), có 1 công trình chậm tiến độ. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Võ Chí Trung, trên thực tế, khi triển khai đấu thầu qua mạng theo quy định, có những nhà thầu năng lực rất yếu kém, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả nước đạt 15%, tỷ lệ giải ngân của An Giang thấp hơn bình quân cả nước, trong khi tỷ lệ giải ngân của huyện Châu Thành còn thấp hơn của tỉnh (mới đạt 9%). “Qua khảo sát thực tế, đoàn công tác tỉnh nhận thấy, huyện chưa sâu sát đối với các dự án đầu tư công. Trong đó, BQLDA Đầu tư và xây dựng khu vực huyện Châu Thành chưa nắm chặt chẽ tiến độ từng dự án, chưa có biện pháp đốc thúc nhà thầu” - bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhận định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải chuẩn bị kỹ phương án đầu tư, bám sát dự án, quan tâm nhiều hơn đến tiến độ công trình; tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà thầu đảm bảo tiến độ theo cam kết, kiên quyết xử lý vi phạm; công khai danh sách nhà thầu vi phạm theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư. “Lãnh đạo huyện cần dành thời gian quan tâm hơn đến giải ngân vốn đầu tư công. Nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về tỉnh để sở, ngành cùng phối hợp giải quyết, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, tỉnh sẽ tiếp tục quay trở lại kiểm tra vào các tháng tới, để đánh giá chuyển biến trong triển khai thực hiện đầu tư công

 

NGÔ CHUẨN