An Giang tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

04/11/2021 - 04:47

 - Dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động rất lớn đến hoạt động thương mại của tỉnh An Giang, đặc biệt là các hoạt động xuất, nhập khẩu. Để hoàn thành kế hoạch năm, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp (DN), ngành công thương tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phục hồi xuất khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn chưa ổn định, trong nước và trong tỉnh số ca mắc COVID-19 vẫn còn cao. Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh An Giang đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, phục hồi nền kinh tế nhưng vẫn phải thực thi nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Điều này đã phần nào khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong khôi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các DN xuất khẩu.

Theo Sở Công thương An Giang, trên địa bàn tỉnh có nhiều DN chậm hồi phục do thiếu hụt nguồn lao động; thiếu nguồn nguyên liệu (do vận chuyển giữa các địa phương vẫn còn khó khăn, mỗi địa phương có một quy định riêng trong phòng, chống dịch); lực lượng công nhân tham gia sản xuất chưa được tiêm vaccine đầy đủ...

Trong khi đó, các DN nhỏ không có điều kiện, cơ sở hạ tầng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”; còn các DN lớn cố gắng tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” nhưng không mang đến hiệu quả như mong muốn do chi phí tăng cao khi công nhân ăn, nghỉ tại DN; hạn chế số lượng lao động do phải giảm tải người lao động để phòng, chống dịch bệnh... do đó sản lượng không đáp ứng được hợp đồng, mất nhiều đối tác, khách hàng.

Các DN xuất khẩu còn gặp khó khăn trong việc chủ động thời gian vận chuyển do không thuê được container hoặc không thuê được chỗ trên tàu; chi phí logistics tăng cao, kèm theo đó là các chi phí quản lý phát sinh khác trong công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo cho các hoạt động sản xuất của các DN. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5-1%, vẫn còn thấp đối với chi phí phát sinh của DN.

Ngoài ra, còn có những khó khăn về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao (chi phí thức ăn thủy sản, phân bón…). Những khó khăn của DN thời gian qua đã kéo theo kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh bị chững lại. Nếu như 6 tháng của năm 2021, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá tốt, khoảng 48% so kế hoạch đề ra thì đến quý III-2021, xuất khẩu chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh COVID-19.

Kịp thời tháo gỡ

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN xuất khẩu, thời gian qua, ngành công thương tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, các cấp, ngành đã quan tâm hỗ trợ giúp các DN tiếp cận và cập nhật thường xuyên các chính sách, hàng rào kỹ thuật của các đối tác thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới; tranh thủ các hoạt động tìm kiếm các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường còn nhiều tiềm năng và dư địa để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành công thương còn xây dựng kế hoạch phối hợp để đưa sản phẩm An Giang lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, đề xuất hỗ trợ chi phí thường niên hàng năm cho các DN tham gia các sàn thương mại điện tử nước ngoài, như: Alibaba, Amazon... Đồng thời, phối hợp các đơn vị, đối tác để tổ chức các chương trình kết nối giao thương cho DN, hợp tác xã sản xuất của An Giang với các tập đoàn, hệ thống siêu thị lớn, hệ thống phân phối theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến... để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đặc sản của An Giang đến với người tiêu dùng.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ DN, ngành công thương tỉnh An Giang còn kiến nghị các ngành liên quan có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD). Bên cạnh đó, kiến nghị các ngân hàng thương mại cho phép khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ của tất cả các khoản nợ phát sinh trong thời điểm bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 ít nhất 6-12 tháng để DN phục hồi SXKD và dòng tiền; giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ vay hiện tại của các DN trong thời gian giãn cách. Đồng thời, xem xét miễn, giảm thuế thu nhập DN trong giai đoạn DN mới quay trở lại hoạt động; xem xét giảm các chi phí điện, nước, nhiên liệu phục vụ hoạt động SXKD.

Với những giải pháp rất quyết liệt của ngành chức năng, dịch bệnh dần được kiểm soát tốt, cùng với đó là việc nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch tại một số địa phương sẽ giúp cho các hoạt động SXKD từng bước phục hồi vào những tháng cuối năm, đặc biệt các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 950 triệu USD, tăng 2,15% so cùng kỳ, đạt 98,45% so kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 190 triệu USD, tăng 10,47% so cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch năm...

Theo Sở Công thương An Giang, 9 tháng của năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 817,14 triệu USD, tăng 1,53% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 689,61 triệu USD, tăng 1,24% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 127,53 triệu USD, tăng 3,17% so cùng kỳ.

 

ĐỨC TOÀN