An Giang thúc đẩy thành lập hợp tác xã

05/08/2022 - 06:52

 - Việc thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, có sự tham gia và gắn kết với doanh nghiệp (DN) trong xây dựng vùng nguyên liệu, được xem là giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Khi HTX đủ sức làm đại diện tin cậy trong tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, ký kết hợp đồng tiêu thụ, nông dân tham gia HTX hoàn toàn yên tâm canh tác, tiến tới sản xuất lớn.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Tri Tôn

Hỗ trợ hợp tác xã

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, các ngành chuyên môn và địa phương đã hỗ trợ thành lập mới 13 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh lên 207 HTX, với 13.028 thành viên tham gia; trong đó, có 195 HTX nông nghiệp đang tổ chức, hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, đạt 48,15% so chỉ tiêu năm 2022 (theo Quyết định 218/QĐ-UBND của UBND tỉnh) và đạt 12% so chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định 2881/QĐ-UBND của UBND tỉnh).

Chi cục Phát triển nông thôn đã kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình hoạt động của 12 HTX nông nghiệp trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Chợ Mới nhằm tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của HTX; kiến nghị, đề xuất giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng theo hướng đa dịch vụ, dần trở thành đơn vị tổ chức sản xuất của cả tiểu vùng, khu vực.

Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo triển khai chiến dịch thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, các hội thảo kết nối DN uy tín về tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực tại huyện Tri Tôn, Phú Tân, Tịnh Biên, Chợ Mới, Châu Thành, An Phú, Thoại Sơn, Châu Phú, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc. Đến nay, đã có 46 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất với 30 DN, diện tích liên kết đạt 64.620ha.

Toàn tỉnh hiện có 24,43% cán bộ quản lý, điều hành HTX có trình độ đại học, cao đẳng (đạt chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025). Mới đây, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đào tạo thành viên, lao động tại HTX nông nghiệp và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp (giai đoạn 2022-2025) trên địa bàn tỉnh An Giang. Đây là điều kiện để thu hút thêm lao động có trình độ cao, lao động trẻ về làm việc tại các HTX.

Bên cạnh thúc đẩy phát triển HTX, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh còn hỗ trợ thành lập mới 46 tổ hợp tác (THT); củng cố, nâng chất 385 THT; giải thể 16 THT, nâng tổng số THT trên địa bàn tỉnh lên 960 THT, với 15.213 thành viên tham gia. Các ngành chuyên môn còn hỗ trợ thành lập mới Liên hiệp HTX Tri Tôn, với 12 HTX thành viên tham gia. Liên hiệp HTX Tri Tôn cùng với Liên hiệp HTX Thoại Sơn là 2 đơn vị chủ lực trong tham gia liên kết của Tập đoàn Lộc Trời.

Tạo thuận lợi cho hợp tác xã

Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, vốn sự nghiệp khoa học - công nghệ để xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, đã có 25 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là ứng dụng drone (máy bay không người lái) phun thuốc bảo vệ thực vật; trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng, nhà kính; hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời. Về HTX nông nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đã xác định được các sản phẩm OCOP tiềm năng, như: HTX TM-DV nuôi lươn VietGAP (lươn); HTX SX-TM-DVNN Phước Lộc Thạnh (sầu riêng); HTX GAP Cù Lao Giêng (xoài 3 màu); HTX TM-DV chăn nuôi ếch Khánh Hòa (khô ếch); HTX nông sản GlobalGAP (bắp bào tử); HTX NN&DV nông sản Đồng Bằng (dưa lưới) và HTX SXNN&DVDL Châu Thành (trà măng tây xanh, nấm bào ngư và nấm rơm).

Đến nay, đã hỗ trợ duy trì, nâng chất lượng sản phẩm của 4 HTX nông nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao: HTX TMDV DLNN Khánh Hòa (nhãn xuồng Khánh Hòa); HTX SXKD&DVNN Chợ Mới (nước ép xoài); HTX nông nghiệp An Bình (gạo An Bình 1) và HTX nông nghiệp Long Bình (xoài keo).

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể, HTX đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích nông dân, DN tham gia. Đồng thời, phát triển mối quan hệ sản xuất giữa HTX, THT và DN dựa trên nguyên tắc thị trường, đôi bên cùng có lợi; tổ chức hoạt động của các HTX, THT gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ các ngành hàng chủ lực theo hướng chuyên canh, quy mô công nghiệp và phù hợp kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, hỗ trợ DN đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và đầu ra cho nông sản. Tăng cường hỗ trợ cho các DN, HTX, THT chuyển đổi nhận thức, tư duy mới nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cùng với hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp (chỉ tiêu năm 2022 là thành lập mới 27 HTX nông nghiệp), tỉnh phấn đấu tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả được đánh giá, phân loại đạt khá, tốt trên 50%; duy trì và nâng cao tỷ lệ trình độ cán bộ quản lý, điều hành HTX có trình độ đại học, cao đẳng đạt từ 24% trở lên. Năm 2022, phấn đấu có từ 25-30 HTX được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; có từ 25-30% số HTX trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ với DN.

NGÔ CHUẨN