Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết: “Những năm qua, chi nhánh đã bám sát nghị quyết của Hội đồng Quản trị, văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Đại diện HĐQT tỉnh triển khai các mặt hoạt động Ngân hàng CSXH trên địa bàn.
Trong đó, tham mưu triển khai tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng CSXH triển khai chương trình tín dụng chính sách sát với thực tế, gắn với việc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã giao kế hoạch đến các huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo thực hiện tăng trưởng tín dụng kịp thời. Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện thông báo chỉ tiêu kế hoạch đến UBND cấp xã thông báo về các khóm, ấp theo quy định. Đồng thời, kiểm tra, giám sát địa bàn trên cơ sở chương trình kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cho các thành viên trong Ban Đại diện HĐQT đã phê duyệt, theo đúng chương trình, kế hoạch hàng năm.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về tín dụng chính sách xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc sử dụng vốn vay.
Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi, nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả để nhân rộng. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động các hộ vay có thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tham gia gửi tiền qua tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy ước hoạt động tổ.
Nguồn ngân sách các cấp chuyển sang ủy thác đã có chuyển biến khá tích cực vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào an sinh xã hội, giúp người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế tình hình cho vay nặng lãi tại khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với số tiền 60 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chị Trần Thị Màu (ngụ khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đã mở rộng cơ sở sản xuất xuồng. Vượt qua những ngày đầu khó khăn, cơ sở của chị từng bước có được bạn hàng thu mua xuồng, đầu ra ổn định.
Ngoài sản xuất các loại xuồng mới, vợ chồng chị còn nhận sửa chữa xuồng cũ của người dân để kiếm thêm thu nhập. Chị Màu chia sẻ: “Có được số tiền vay vốn, tôi sửa lại chỗ làm, mua thêm cây và một số dụng cụ cần thiết để tiếp tục duy trì và phát triển công việc truyền thống của gia đình”.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay 2.580 tỷ đồng đã giúp 54.194 lượt hộ được vay vốn. Cụ thể: Chương trình cho vay hộ nghèo cho vay mới 623 lượt khách hàng; cho vay hộ mới thoát nghèo 8.624 lượt khách hàng; cho vay hộ cận nghèo 3.844 lượt khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 5.172 lượt; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 21.302 lượt khách hàng; cho vay giải quyết việc làm 12.236 lượt khách hàng; cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 1.475 lượt khách hàng; cho vay nhà ở xã hội 417 lượt khách hàng; cho vay xuất khẩu lao động 279 lượt khách hàng; cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi được 176 lượt khách hàng; cho vay người chấp hành xong án phạt tù được 49 lượt khách hàng.
Tín dụng chính sách là “trụ cột” trong công tác giảm nghèo, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và an sinh xã hội…
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề nghị Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tập trung đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, giải ngân nhanh chóng, kịp thời chỉ tiêu vốn mới, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động tại điểm giao dịch xã.
Đồng thời, nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, theo dõi xử lý nợ đến hạn kịp thời, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh… góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
TRUNG HIẾU