An Giang thực hiện tốt chính sách dân tộc

30/10/2019 - 07:52

 - Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc. Qua đó, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi nói riêng đạt được nhiều thành tựu quan trọng…

An Giang thực hiện tốt chính sách dân tộc

Ảnh: TRUNG HIẾU

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly cho biết, 5 năm qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn. Đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của nhà nước, đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, giữ gìn và duy trì các lễ hội truyền thống. Việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của các dân tộc luôn được các cấp, ngành chú trọng thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh địa phương.

Quan tâm, chăm lo cho đồng bào các dân tộc, tỉnh tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành toàn diện và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc, như: chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo; chính sách tín dụng, cho vay ưu đãi đối với vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh con hộ nghèo; chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc; chính sách giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS…

An Giang thực hiện tốt chính sách dân tộc

Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang lần thứ III năm 2019

Tỉnh luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên DTTS trong hệ thống chính trị. Số lượng cán bộ DTTS tham gia cấp ủy, bộ máy chính quyền, đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp trong vùng có đông đồng bào DTTS. Toàn tỉnh hiện có 1.522 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có lực lượng nòng cốt và cốt cán là người DTTS tiêu biểu, hoạt động hiệu quả, tích cực, giúp người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, cũng như truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến các cấp chính quyền một cách kịp thời, thỏa đáng. Hàng năm, nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đều tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho các chùa, thánh đường, gia đình chính sách, các trường có con em đồng bào dân tộc đang học, các vị chức sắc, cán bộ tiêu biểu người DTTS.

5 năm qua, tỉnh đã thực hiện hiệu quả các Chương trình 135, Quyết định 102, Quyết định 755, Quyết định 54, Quyết định 18 của Chính phủ hỗ trợ các ấp, xã đặc biệt khó khăn đầu tư xây dựng đường bê-tông, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, lớp học; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; hỗ trợ sản xuất như: cây giống, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật... Công tác đào tạo nghề cho người DTTS được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, thông qua các chương trình, dự án, đề án đã đào tạo giúp nhiều người lao động DTTS có tay nghề, tìm được việc làm, tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho gần 11.300 hộ DTTS, chiếm tỷ lệ 41,85% trên tổng số hộ đồng bào DTTS trong tỉnh vay vốn trên 162 tỷ đồng để phát triển sản xuất; đảm bảo cho 100% đối tượng học sinh con hộ nghèo được đến trường và hưởng chế độ chính sách hỗ trợ giáo dục. Từ năm 2014 đến nay, đào tạo nghề cho trên 5.476 người DTTS. Từ năm 2016 (áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 27,46% (7.295 hộ) giảm còn 16% (4.338 hộ) vào cuối năm 2018; bình quân trong 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,8%/năm.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 119.219 người DTTS, với 28.481 hộ, chiếm 5,26% so dân số cả tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh còn có 28 DTTS cùng chung sống hòa thuận trên địa bàn tỉnh. Trong đó, DTTS Khmer có 93.717 người (chiếm 4,2% so dân số cả tỉnh); DTTS Chăm có 15.327 người (chiếm 0,67% so dân số cả tỉnh); DTTS Hoa có 10.079 người (chiếm 0,38% so dân số cả tỉnh); còn lại là 25 DTTS khác, sinh sống rải rác trên địa bàn. Mỗi DTTS ở An Giang đều có đặc điểm riêng.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích