An Giang tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã phát triển

01/09/2022 - 07:59

 - An Giang tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) bền vững theo nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, dựa theo 5 tiền đề: Nguồn nhân lực; vốn; kỹ thuật; quản lý điều hành; hành lang pháp lý. Trong đó, chú trọng mạnh đến yếu tố nguồn nhân lực.

Hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) cho biết, lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 274 HTX hoạt động ở các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, khai khoáng và quỹ tín dụng nhân dân.

Ngoài ra, còn có 2 liên hiệp HTX đang hoạt động (Liên hiệp HTX Thoại Sơn và Liên hiệp HTX Tri Tôn); giải thể Liên hiệp HTX nông nghiệp An Giang. Toàn tỉnh hiện có 960 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động, tăng 30 THT so với cuối năm 2021.

Đối với các HTX nông nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay, đã hỗ trợ thành lập mới Liên hiệp HTX Tri Tôn (đạt 100% chỉ tiêu năm 2022); hỗ trợ thành lập mới 13 HTX nông nghiệp (chỉ tiêu năm 2022 thành lập mới 27 HTX). Tính đến tháng 8/2022, qua rà soát, toàn tỉnh có 187 HTX nông nghiệp có tổ chức và đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 20 HTX nông nghiệp đã ngưng hoạt động. Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập mới thêm 14 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp của tỉnh lên 221 HTX; hỗ trợ các địa phương thành lập mới 20 THT nông nghiệp, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 là 980 THT.

Theo Sở NN&PTNT An Giang, mô hình HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy được hiệu quả hoạt động khi thu hút 139.723 thành viên tham gia (có 170 thành viên mới); liên hiệp HTX có 19 thành viên HTX tham gia (12 thành viên mới); THT thu hút 15.213 thành viên (147 thành viên mới). Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 6.795 người; lao động làm việc thường xuyên trong THT là 15.213 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX là 60 triệu đồng/năm.

Từ chính sách thu hút, hỗ trợ của tỉnh cùng sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) liên kết, chất lượng nguồn nhân lực quản lý HTX được nâng lên. Trong số 1.126 cán bộ quản lý HTX hiện tại, 168 người có trình độ sơ cấp, trung cấp (chiếm 14,92%), 221 người đạt trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 19,63%).

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 840 người tham gia quản lý, điều hành HTX; trong đó, có 169 người đạt trình độ đại học, cao đẳng trở lên (chiếm 20,12%), trình độ sơ cấp, trung cấp là 8 người (chiếm 9,9%). Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 24%.

Điểm sáng phát triển

Một trong những sáng tạo của An Giang là động viên, khuyến khích DN cùng góp vốn thành lập HTX, cử nhân sự tham gia điều hành HTX gắn với vùng nguyên liệu của DN, hướng đến phát triển bền vững mô hình liên kết.

Thực hiện Chương trình thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Sở NN&PTNT đã tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập các HTX kiểu mới gắn với phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo trên địa bàn tỉnh liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; tư vấn, hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước.

Năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời triển khai thực hiện liên kết sản xuất lúa, nếp 3 vụ cùng các HTX với diện tích 109.960ha. Riêng vụ hè thu 2022, Tập đoàn Lộc Trời đã ký liên kết được với 56 HTX nông nghiệp của 11 huyện, thị xã, thành phố với diện tích 27.635ha (mô hình truyền thống 23.675ha, mô hình truyền thống nâng cao 3.481ha, mô hình cam kết lợi nhuận 120ha và mô hình không dấu chân 359ha).

Không chỉ hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới, Tập đoàn Lộc Trời còn tích cực tham gia thành lập liên hiệp HTX - mô hình tập hợp các HTX thành viên cùng lĩnh vực để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất lớn. Đối với Liên hiệp HTX Thoại Sơn, là mô hình liên hiệp HTX chuyên về lúa gạo đầu tiên của tỉnh An Giang. Liên hiệp có 7 thành viên HTX nông nghiệp, vốn góp 500 triệu đồng, diện tích 7.500ha. Liên hiệp HTX Thoại Sơn hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm nhằm giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường, mang lại thu nhập cho thành viên và người dân.

Đồng thời, tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất - kinh doanh thông qua việc tổ chức tốt quy mô sản xuất. Liên hiệp HTX Thoại Sơn hiện có 32 bộ máy cày, 68 bộ máy cắt, 23 bộ cuộn rơm, 81 chẹt sắt và cung ứng dịch vụ drone (máy bay không người lái thực hiện sạ giống, bón phân, phun thuốc).

Đối với Liên hiệp HTX Tri Tôn, thành lập tháng 5/2022, gắn kết giữa các HTX và DN trong chuỗi liên kết nhằm tạo điều kiện lớn mạnh về nguồn vốn, nhân sự, đảm bảo có thể cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Liên hiệp HTX Tri Tôn có 12 thành viên HTX nông nghiệp, diện tích 15.772ha; hoạt động chủ yếu hỗ trợ cho các HTX thành viên thực hiện những công đoạn trong quy trình sản xuất, tiêu thụ lúa và nông sản.

Doanh thu bình quân của HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh đạt 5,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân 950 triệu đồng/năm. Riêng với HTX nông nghiệp, doanh thu bình quân 2,78 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình 101 triệu đồng/năm.

NGÔ CHUẨN