An Giang tiếp tục hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

23/05/2022 - 06:46

 - Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch được tỉnh thực hiện tích cực. Song song đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả phấn khởi. Nối tiếp giai đoạn cao điểm, các giải pháp an sinh xã hội được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, ổn định cuộc sống bình thường mới.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang, sở, ngành liên quan khẩn trương cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, các địa phương nhanh chóng cấp phát kinh phí đến NLĐ (đủ điều kiện được hỗ trợ), đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh trùng lắp với đối tượng đã được nhận hỗ trợ…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly thông tin, ngoài các chính sách hỗ trợ trên, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, có rất nhiều nguồn hỗ trợ, như: Nguồn từ Chính phủ hỗ trợ gạo, trung ương và tỉnh hỗ trợ tiền. Ngoài ra, sở còn vận động nhà hảo tâm để tiếp tục chăm lo cho người dân.

Gần đây nhất, đơn vị vận động được trên 1 tỷ đồng, phân bổ cho mỗi huyện tặng 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người neo đơn không nơi nương tựa. Mỗi hộ được nhận 700.000 đồng tiền mặt, phần quà trị giá 300.000 đồng (đa số là gạo); đã hoàn tất trao.

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm, nhằm góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động. Qua đó, khuyến khích tạo ra nhiều việc làm, hỗ trợ NLĐ sớm tìm việc làm ổn định, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đơn vị kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nắm nhu cầu tuyển dụng, số lượng khoảng 25.000 lao động (doanh nghiệp trong tỉnh tuyển khoảng 6.800 lao động) và thông báo cho các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên tục tổ chức phiên giao dịch việc làm, giới thiệu, tư vấn cho NLĐ. Đến nay, phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại các huyện: Phú Tân, Chợ Mới, Tri Tôn và chuẩn bị tổ chức tại các địa phương còn lại.

Bên cạnh đó, sở quan tâm đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động bị mất việc làm thời gian qua. “Nếu tính trong khu vực ĐBSCL, An Giang thực hiện công tác này khá sớm. Đến nay, tỉnh đào tạo lại cho hơn 1.300 lao động của 6 công ty, được doanh nghiệp ủng hộ, bởi đáp ứng được nhu cầu thiết thực sắp xếp lại lao động và đào tạo nguồn lao động mới, phục hồi sản xuất. Hiệu quả của tỉnh An Giang còn được tỉnh lân cận đến học tập kinh nghiệm” - ông Châu Văn Ly cho biết.

Sắp tới, NLĐ còn được hỗ trợ thêm tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 249/KH-UBND, ngày 4/5/2022, triển khai theo 2 nhóm lao động. Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng với các điều kiện: Ở thuê, ở trọ từ 1/2/2022 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, được giao kết thực hiện trước ngày 1/4/2022; có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nhóm còn lại là những người quay trở lại thị trường lao động, được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, với các điều kiện: Ở trọ, ở thuê từ ngày 1/4/2022 đến 30/6/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; có hợp đồng lao động không xác định thời gian, hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ 1/4/2022 đến 30/6/2022… Chính sách này sẽ sớm triển khai sau khi doanh nghiệp báo cáo số lượng lao động (có đóng bảo hiểm) để ước số tiền hỗ trợ. Trên cơ sở đó, việc triển khai đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đồng thời đảm bảo minh bạch, công bằng.

Những chính sách đã, đang và chuẩn bị triển khai để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ngành chức năng, địa phương triển khai và tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang chi trên 795 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 1.600 doanh nghiệp, 358.506 NLĐ (trong đó có 293.344 lao động không có giao kết hợp đồng lao động). Đồng thời, hỗ trợ 83 viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch; 16.172 hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền ăn đối với 98.625 F0, F1… Chính sách này được các địa phương thực hiện sâu sát, nhận được sự đồng thuận rất lớn từ xã hội.

MỸ HẠNH