Nhiều kết quả
Năm 2023, để tăng cường khám, phát hiện tầm soát lao, tỉnh triển khai nhiều mô hình: Khám phát hiện thụ động và chủ động bệnh lao, lao kháng thuốc lao, lao tiềm ẩn, lao trẻ em tại tất cả các cơ sở y tế theo chiến lược 2X (chụp X-quang phổi có tổn thương nghi lao, lấy mẫu đàm xét nghiệm sinh học phân tử), chủ động lấy mẫu đàm xét nghiệm Xpert cho các trường hợp có triệu chứng nghi lao tại cộng đồng và tất cả người dân có triệu chứng nghi lao đều quét mã QR để tầm soát lao.
Đồng thời, sàng lọc và chẩn đoán lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và người có nguy cơ cao bằng tiêm Mantoux. Thực hiện các chiến dịch chủ động tầm soát lao tại cộng đồng, như: Trang bị và tổ chức xe chụp X-quang lưu động, xét nghiệm Xpert, tiêm Mantoux.
Tỉnh tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh lao
Chương trình chống lao tỉnh đạt nhiều kết quả: Khám, phát hiện 34.961 ca lao (chiếm tỷ lệ 1,8% dân số); thu nhận điều trị 5.693 ca. Công tác khám, phát hiện lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và người nguy cơ được 14.183 người, chẩn đoán 2.174 người và tư vấn đưa vào điều trị 1.392 người, chiếm tỷ lệ 64,2%.
Hàng năm, tỉnh thực hiện tầm soát HIV/AIDS cho tất các bệnh nhân thu nhận điều trị lao và tầm soát lao cho người nhiễm HIV (chiếm tỷ lệ 91,2%). Tỷ lệ hoàn thành điều trị lao đối với lao các thể đạt trên 92%. Tỷ lệ điều trị thành công lao kháng thuốc toàn tỉnh đạt 84,7% so chỉ tiêu cả năm của Chương trình chống lao quốc gia là 75%.
Tại Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên, năm 2023, có 5.618 người đến khám thử đàm tầm soát lao (đạt 120% chỉ tiêu), qua đó phát hiện được 435 ca dương tính. Trung tâm thu dung điều trị cho 712 bệnh nhân; quản lý điều trị 1.311 bệnh nhân. Tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân lao phổi đạt 93,87%. Gần 100% bệnh nhân lao phổi được xét nghiệm tầm soát lao kháng thuốc bằng Xpert...
Theo BS CKII Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên, trung tâm còn giám sát các hoạt động khám phát hiện, hội chẩn các ca lao khó, điều trị lao, quản lý thuốc... Thực hiện khám chủ động cộng đồng trên địa bàn thành phố, tầm soát lao tiềm ẩn, bệnh lao và lao kháng thuốc. Phối hợp Dự án FHI 360 thực hiện chiến dịch tầm soát lao quy mô nhỏ tại cộng đồng; dự án Quỹ toàn cầu thực hiện tầm soát lao, lao tiềm ẩn trên các đối tượng đang điều trị Methadone, bảo trợ xã hội, nhân viên y tế…
Vượt khó hoàn thành kế hoạch
Theo TS. BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế, hiện tỉnh chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, Chương trình chống lao của tỉnh hoạt động trong Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu, trực thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Đây cũng là đơn vị đầu mối của tỉnh về hoạt động chống lao/chỉ đạo tuyến, tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch, điều phối hoạt động chống lao ở tất cả các đơn vị y tế công - tư, hội chẩn với các tuyến các ca lao khó, kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến dưới thực hiện các hoạt động phòng, chống lao. Tỉnh có phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm Gene-Xpert và kiểm phẩm lam đàm, quản lý hệ thống xét nghiệm Gene- Xpert và soi đàm của các đơn vị trực thuộc.
Các Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Sản - Nhi và các Bệnh viện Đa khoa Khu vực thực hiện: Khám phát hiện, thu nhận điều trị bệnh lao, nội trú, cấp cứu và xử trí các biến cố bất lợi. Phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm soi đàm và xét nghiệm Gene-Xpert tầm soát lao và lao kháng thuốc. Tỉnh có điểm điều trị lao đa kháng thuốc nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.
Tuyến huyện, thị xã, thành phố có 11 tổ lao hoạt động trong Khoa kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. Nơi đây khám, chữa bệnh, đăng ký và điều trị các trường hợp phát hiện lao, lao trẻ em, lao đa kháng thuốc, lao tiềm ẩn; thực hiện xét nghiệm đàm cho những người nghi lao và lao đa kháng thuốc trên địa bàn...
Tại 156 trạm y tế xã, phường, thị trấn, mỗi nơi đều có 1 cán bộ chuyên trách quản lý hoạt động phòng, chống lao tại cơ sở, cấp phát thuốc cho người bệnh lao và tầm soát lao.
Theo Sở Y tế, hiện nay, tỉnh đang gặp khó khăn về nhân lực đang thiếu bác sĩ chuyên ngành lao; nhất là hệ thống y tế cơ sở hầu như chưa có bác sĩ chuyên ngành lao, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Trung ương chưa có hướng dẫn khung kế hoạch, chiến lược loại trừ bệnh lao đến 2035 theo dịch tễ lao của tỉnh và tỉnh chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi.
Năm 2024, tỉnh tăng cường khám, phát hiện lao sớm theo chiến lược 2X bằng chụp X-quang phổi, xét nghiệm Xpert; thử đàm phát hiện đối tượng có triệu chứng nghi lao và những người sống chung quanh người bị lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học.
Tỉnh phấn đấu 100% bệnh nhân nghi lao được thử đàm phát hiện; 95% bệnh nhân lao được tư vấn và xét nghiệm HIV; tăng cường phát hiện lao/HIV, lao kháng thuốc; tầm soát lao kháng thuốc cho tất cả đối tượng bệnh nhân lao phổi; tích cực tư vấn đồng ý điều trị lao tiềm ẩn trẻ em và người lớn.
Đồng thời, khám phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và người có nguy cơ mắc lao; quản lý, điều trị các bệnh nhân lao; ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán sớm lao trẻ em, lao/HIV và phát hiện lao kháng đa thuốc...
HẠNH CHÂU