An Giang triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa vào thực tế

26/06/2024 - 06:43

 - Khi được triển khai hiệu quả tại An Giang, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án 1 triệu héc-ta lúa) sẽ đáp ứng được 3 trụ cột phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường. Trong hệ sinh thái lúa gạo, các bên tham gia cùng chia sẻ lợi ích, hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững.

Nông dân mong chờ

Từ năm 1996 đến nay, nông dân Nguyễn Văn Gấu, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Hiệp (xã Phú Hữu, huyện An Phú) liên tục tham gia vào mô hình cánh đồng an toàn sinh học - canh tác lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy cùng hàng chục nông dân khác.

Nếu như ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong 40 ngày đầu sau sạ để bảo vệ thiên địch, nông dân nơi đây không phun thuốc trừ sâu, rầy suốt vụ. Nhờ bảo vệ được thiên địch nên khống chế được các dịch hại, như: Sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ chỉ, nhện gié... rất hiệu quả mà không cần đến thuốc hóa học.

“Mô hình vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra sản phẩm gạo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mong muốn của chúng tôi là có doanh nghiệp (DN) đến hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua với giá cao hơn ruộng canh tác thông thường để khuyến khích nông dân.

Qua nghiên cứu Đề án 1 triệu héc-ta lúa, mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy rất phù hợp với tiêu chí của đề án, nếu được triển khai sớm sẽ có lợi cho nông dân và ngành nông nghiệp” - ông Gấu nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba chia sẻ về kinh tế tuần hoàn

Là một trong những HTX hoạt động rất hiệu quả tại An Giang, HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) nhận thấy Đề án 1 triệu héc-ta lúa là cơ hội phát triển mới. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, đến nay, có 389 thành viên tham gia HTX, tổng vốn góp 2,8 tỷ đồng, diện tích phục vụ 1.700ha. Hàng năm, HTX hoạt động đều có lãi và tích lũy, tổng nguồn vốn hoạt động hiện nay đạt 12,9 tỷ đồng.

Vừa qua, HTX Nông nghiệp Phú Thạnh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Dự án đổi mới sáng tạo xanh trang bị 1 máy trộn rơm để thực hiện mô hình ngâm ủ rơm và các phụ phẩm thành phân hữu cơ vi sinh. HTX thu mua rơm của thành viên và nông dân, phân phối lại cho các hộ trồng nấm rơm trên địa bàn.

Sau đó, thu gom rơm đã qua trồng nấm về điểm tập trung và mua thêm phân bò, xơ dừa, tro trấu, men vi sinh và nước trộn ủ theo tỷ lệ hướng dẫn. Sau 1,5 tháng, đợt 1 đã cho ra sản phẩm là 15 tấn giá thể hữu cơ vi sinh, bán lại cho các hộ trồng vườn cây ăn trái, rau màu và lúa.

“Thực trạng hiện nay là có khoảng 70% nông dân vẫn còn đốt rơm, một phần do thói quen, một phần do không đủ máy thu gom rơm trong thời gian ngắn, nông dân sợ mưa xuống không xử lý rơm được. HTX mong muốn có sự đồng hành của ngân hàng, DN trong thực hiện hợp đồng liên kết, cấp tín dụng để HTX trang bị thêm máy thu gom rơm nhằm đảm bảo đưa 100% lượng rơm ra khỏi cánh đồng trong vòng 10 - 15 ngày, áp dụng kinh tế tuần hoàn để tạo sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến bán tín chỉ carbon. Dự kiến vụ đông xuân 2024 - 2025, HTX đăng ký 300ha tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa, nếu thuận lợi sẽ hướng tới tham gia toàn xã Phú Thạnh với diện tích 1.700ha” - ông Lô Ba chia sẻ.

Ngành nông nghiệp chủ động

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước để canh tác lúa; là một trong 2 địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lúa (hơn 4 triệu tấn lúa/năm, chỉ sau tỉnh Kiên Giang). Tỉnh có nhiều nông dân giỏi, trên 220 HTX, gần 1.000 tổ hợp tác, hơn 30 DN đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa.

Nhằm phát huy thế mạnh ngành hàng lúa gạo, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, tỉnh tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, tích tụ đất đai, chính sách thuế, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN, HTX, nông dân tham gia vào Đề án 1 triệu héc-ta lúa trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp, trong 3,9 triệu héc-ta lúa của vùng ĐBSCL, sẽ có 1 triệu héc-ta tham gia đề án đến năm 2030, sau đó sẽ tổng kết, nhân rộng.

“Mục tiêu quan trọng của đề án là ngoài tăng năng suất, chất lượng lúa còn giảm chi phí, tăng trưởng xanh, góp phần đồng hành với cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” - ông Hiệp thông tin.

Đề án 1 triệu héc-ta là cơ hội để tỉnh tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định các HTX, tổ hợp tác để tăng diện tích liên kết tiêu thụ với DN; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại An Giang.

Đến năm 2030, An Giang phấn đấu có 152.198ha tham gia đề án, đảm bảo các tiêu chí canh tác bền vững, như: Lượng lúa giống gieo sạ dưới 70kg/ha; lượng phân bón, thuốc hóa học giảm 30%; giảm 20% lượng nước tưới; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết tiêu thụ, được cấp mã số vùng trồng và áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% lượng rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng...

Khi tham gia mô hình, thu nhập người trồng lúa tăng 40%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa trên 50%.

Cùng với triển khai Đề án 1 triệu héc-ta vào thực tế, An Giang còn tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, kiểm tra) để có diện tích đủ điều kiện tham gia chi trả tín chỉ carbon

 

NGÔ CHUẨN