
Mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng được Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp sở, UBND cấp huyện theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị. Xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần. Từ đó xác định được Chỉ số CCHC của từng cơ quan, đơn vị. Xây dựng bộ câu hỏi xã hội học theo từng nhóm đối tượng để điều tra, khảo sát phục vụ xác định Chỉ số CCHC. Tổ chức triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC cấp sở, UBND cấp huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Chỉ số CCHC phải bám sát nội dung của Chương trình tổng thể CCHC tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch CCHC năm 2021. Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm chung của cấp sở, UBND cấp huyện. Kết quả đánh giá Chỉ số CCHC phải khách quan, phản ánh được thực tế mức độ hoàn thành nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị. Hình thành hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp sở: Cấu trúc thành 9 lĩnh vực đánh giá, 34 tiêu chí và 69 tiêu chí thành phần. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC UBND cấp huyện: Cấu trúc thành 9 lĩnh vực đánh giá, 32 tiêu chí và 69 tiêu chí thành phần. Cụ thể, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; công tác văn thư, lưu trữ; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS). Tổng điểm đánh giá là 100 điểm. Điểm tự đánh giá/thẩm định là 60 điểm; điểm điều tra xã hội học là 40 điểm, gồm 2 nội dung (điểm SIPAS là 24 điểm; điểm khảo sát đối với cán bộ, công chức, viên chức là 16 điểm).
Cấp sở, UBND cấp huyện tự đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trong năm của cơ quan, đơn vị theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần tương ứng vào cột “điểm tự đánh giá”. Cập nhật điểm vào hệ thống phần mềm chấm điểm Chỉ số CCHC và đính kèm các tài liệu, văn bản liên quan với tiêu chí đánh giá.
Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC tỉnh do UBND tỉnh thành lập tiến hành thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét công nhận hoặc không công nhận “điểm tự đánh giá” của cơ quan, đơn vị. Kết quả thể hiện tại cột “điểm thẩm định”, là kết quả dùng để xác định Chỉ số CCHC.
Chỉ số CCHC được xác định bằng tổng điểm điều tra xã hội học và điểm thẩm định, thể hiện tại cột “Chỉ số CCHC”. Các chỉ số thành phần theo lĩnh vực, tiêu chí được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng lĩnh vực, tiêu chí.
Để thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp chính: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành đối với việc xác định Chỉ số CCHC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá CCHC tại các cơ quan, đơn vị hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai xác định Chỉ số CCHC.
Để cụ thể hóa đề án, ngày 25-11, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký Quyết định 2820/QĐ-UBND ban hành kế hoạch xác định Chỉ số CCHC năm 2021 của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu nhằm xác định Chỉ số CCHC năm 2021 của cấp sở, UBND cấp huyện dựa trên các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần đã được phê duyệt tại Quyết định 2366/QĐ-UBND.
Qua đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai công việc xác định Chỉ số CCHC năm 2021 trong phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tự theo dõi, đánh giá và chấm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC theo các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định. Phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức điều tra xã hội học phục vụ xác định Chỉ số CCHC.
Trên cơ sở kết quả công bố, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, phân tích kết quả, những ưu điểm, hạn chế và rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC. Qua đó, duy trì các ưu điểm, chủ động đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế nhằm nâng cao Chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng và Chỉ số CCHC tỉnh An Giang nói chung trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU