An Phú tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh

04/08/2020 - 06:27

 - Với đặc thù địa bàn có đường biên giới dài nhất tỉnh (khoảng 42,5km), nhiều đường mòn, lối mở tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, huyện An Phú (An Giang) đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Hoạt động thương mại - dịch vụ ở An Phú diễn ra sôi động

Những năm qua, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện An Phú tăng trưởng tốt, hạ tầng thương mại từng bước được xây dựng, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện, hệ thống cửa khẩu, các chợ biên giới được hình thành và phát triển. Thị trường nội địa khai thác đạt hiệu quả, hàng hóa lưu thông thuận lợi, phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của nhân dân.

Tổng giá trị hàng hóa luân chuyển toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 là 62.800 tỷ đồng, đạt 103,6%, tăng bình quân 12,6%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ và dịch vụ là 19.550 tỷ đồng, đạt 103,60% so kế hoạch, tăng bình quân 13,2%/năm. Toàn huyện có 11 chợ, trong đó có 6 chợ biên giới, thu hút trên 1.500 hộ kinh doanh; doanh thu tại các chợ đạt 1.850 tỷ đồng, tăng bình quân trên 6,87%/năm.

Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu diễn ra rất sôi động. Tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu (2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ) của huyện là 3.605 triệu USD, tăng bình quân 16,6%/năm. Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình và các công trình khác phục vụ cho hoạt động cửa khẩu đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, diện tích 32ha, tổng vốn đầu tư 163 tỷ đồng.

Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 doanh nghiệp, diện tích đất cho thuê là 11,17ha, vốn đăng ký đầu tư 416 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương 3 nhà đầu tư, tổng diện tích cho thuê  4,71ha, vốn đăng ký đầu tư 165 tỷ đồng.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông, chỉnh trang đô thị, thương mại, bệnh viện, trạm y tế, trường học… đã và đang được triển khai đồng bộ. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết hợp đầu tư hình thành khu kinh tế cửa khẩu.

Từ đó, đã tạo ra tiền đề cơ bản, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, là địa bàn có cự ly ngắn nhất đến thủ đô của Campuchia, có cầu Cồn Tiên nối liền các địa phương trong tỉnh với huyện và có cầu Long Bình - Chrey Thum nối liền biên giới Việt Nam - Campuchia, để An Phú khai thác hiệu quả kinh tế biên giới thời gian tới.

Với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, An Phú đã huy động được các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, góp phần từng bước nâng cao đời sống người nông dân. Hệ thống giao thông nông thôn kết hợp đê bao, cống bửng, thủy lợi nội đồng thường xuyên được đầu tư xây dựng, gia cố, nâng cấp, góp phần bảo đảm an toàn cho sản xuất, hướng đến một nền sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy với nhiều mô hình thường xuyên được nhân rộng, gắn với việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại do lũ hàng năm gây ra.

Đồng thời, ngày càng thích ứng với sự biến đổi khí hậu, đã giúp cho người nông dân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập để cải thiện đời sống…

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện An Phú có 3 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” trước thời hạn đăng ký 1 năm, 1 xã tiếp tục được công nhận “Xã nông thôn mới nâng cao”.

Để An Phú tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Phú lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025), Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Văn Răng gợi mở nhiều vấn đề. Là một địa bàn biên giới quan trọng của tỉnh, An Phú đang làm nhiệm vụ quan trọng cho cả tỉnh về an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Vì vậy, huyện phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh biên giới. Muốn cho địa bàn biên giới vững mạnh, cùng với các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân, An Phú cần phải đặc biệt quan tâm đời sống nhân dân vùng biên và đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển chung của huyện.

“Là địa bàn biên giới có nhiều lợi thế so sánh, có hệ thống giao thông huyết mạch thông suốt từ Châu Đốc lên Campuchia, có lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, có địa danh búng Bình Thiên gắn với vùng đất cách mạng Vạt Lài, với truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo của nhân dân địa phương trong suốt chiều dài lịch sử…

An Phú cần khơi dậy khát vọng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và xã hội, lập nên nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển của quê hương. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh xem sự phát triển của An Phú là nhiệm vụ chung; thường xuyên quan tâm hỗ trợ, phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện” - Ông Hồ Văn Răng nhấn mạnh.

HỮU HUYNH