An Phú tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

24/07/2023 - 07:01

 - Với quyết tâm của các cấp, ngành, kinh tế - xã hội (KTXH) huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang) tiếp tục tăng trưởng, đạt và vượt 20 chỉ tiêu cơ bản. Huyện đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân.

Xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” kinh tế, huyện An Phú tập trung giải pháp nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng nông sản. Tổng diện tích xuống giống vụ đông xuân và hè thu 30.374/38.691ha (lúa 27.122ha, màu 3.252ha) đạt 78,5% kế hoạch năm 2023, tương đương so cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm được 121.580 tấn (lúa 112.720 tấn, màu 8.860 tấn). Tổng diện tích cây ăn trái 2.048/2.200ha, đạt hơn 93% kế hoạch (chiếm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện). 

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện có 16 nhà màng trồng rau màu với diện tích 1,6ha trồng dưa lưới đang sản xuất hiệu quả và ổn định, được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp giá từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, đầu tư 43 nhà lưới giá rẻ (diện tích từ 250 - 500m2/nhà) trồng rau ăn lá và ươm giống cây con.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) 369 tỷ đồng, đạt trên 54% so kế hoạch 2023, tăng 0,2% so cùng kỳ 2022. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ 3.158 tỷ đồng, đạt 53,52% so kế hoạch 2023, tăng 12,7% so cùng kỳ 2022. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu trên 492 triệu USD, đạt 32,81% kế hoạch năm 2023.

 An Phú tập trung triển khai các công trình trọng điểm

Toàn huyện có 86 danh mục công trình đầu tư xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước do cấp tỉnh và huyện quản lý (tỉnh đối ứng 5 danh mục công trình, huyện đối ứng 9 danh mục công trình) theo kế hoạch vốn hơn 241 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang 8,8 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2023 là 232,6 tỷ đồng). Thực hiện hoàn thành 49 danh mục công trình, đang thực hiện 6 danh mục công trình, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công 3 danh mục... Đã giải ngân hơn 72,2 tỷ đồng, đạt 29,91% so với kế hoạch.

Điểm nhấn là địa phương thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 4 Khu nhà ở Đại đoàn kết liền kề (135 căn) tại các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc, thị trấn An Phú, Đa Phước, với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng…

Trong 6 tháng, đã giải quyết việc làm cho 4.700 lao động trên địa bàn huyện, đạt 112% kế hoạch năm. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay giải quyết việc làm 118 hộ, xuất khẩu lao động 4 người với số tiền 5,75 tỷ đồng… 

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh biên giới được đảm bảo. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng đạt nhiều kết quả quan trọng. Triển khai thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Hiện, đang vào mùa mưa, thời tiết diễn biến thất thường, cộng với tình hình nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về vùng đầu nguồn. Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường theo dõi tình hình sản xuất vụ hè thu, xây dựng kế hoạch sản xuất và triển khai lịch xuống giống vụ thu đông 2023. Phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, đặc biệt là liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa và xoài. Năm nay, sẽ tổ chức xả lũ định kỳ đối với vùng Bắc mương Tám Sớm hơn 1.000ha thuộc địa bàn các xã Quốc Thái, Nhơn Hội và Phú Hội.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn, tổ chức hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện; củng cố lại Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc Hưng và thành lập mới ít nhất 4 hợp tác xã.  Kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phối hợp chủ đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục thuộc dự án WB9, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu.

“Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, cửa khẩu, kinh tế biên giới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh các công trình trọng điểm. Thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chăm lo gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới; đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa và xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, nhất là trong mùa nước nổi”- Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp nhấn mạnh.

An Phú tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, phấn đấu thực hiện ước đạt giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 369 tỷ đồng, lũy kế đến cuối năm 2022 đạt 738 tỷ đồng, đạt 108,2% so kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2022. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu phấn đấu cuối năm khoảng 1,5 tỷ USD, đạt 100,93% so kế hoạch, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2022...

 

HỮU HUYNH