Vùng kiểm soát lũ của xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú), nơi Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) đang triển khai hoàn thiện, mang lại sắc thái mới cho nông thôn. Cùng với đó, An Phú thực hiện sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, đẩy mạnh triển khai mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng hơn 1.226ha.
Triển khai mô hình điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa cho 2.080 hộ gia đình. Tổ chức tuyên truyền về chính sách phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, đăng ký mã số vùng trồng cho các hợp tác xã. Tổ chức nhiều cuộc họp dân triển khai công tác làm đường giao thông nội đồng, người dân đồng thuận hiến đất trên 10.000m2. Các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều phong trào: Phụ nữ thực hiện “Gia đình 5 không, 3 sạch”, tham gia dịch vụ tổ hợp tác, hợp tác xã; Hội Nông dân với phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Xây dựng cảnh quan, làm hàng rào, cột cờ thẳng tắp”…
Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, An Phú có 3/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 7 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí; 3 ấp được công nhận ấp NTM. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 61,4 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 34 tỷ đồng, đạt 55,51% so kế hoạch vốn. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, người dân còn hiến đất làm đường cộ nội đồng với tổng chiều dài hơn 50km (trên 40 tỷ đồng).
Trên địa bàn huyện An Phú hiện có 11 đồ án quy hoạch, đã được phê duyệt 1 đồ án, còn 10 đồ án đang triển khai. UBND huyện An Phú giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND huyện trong công tác quản lý việc chấp hành các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch ban hành kèm theo các đồ án. Huyện An Phú có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) xếp hạng 3 sao (khô bò Phú Vinh và xoài keo Long Bình). Cuối năm 2023, sẽ công nhận thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, 90% hộ dân sử dụng nước sạch; thu nhập của người dân được tăng lên, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo cao hơn những năm trước; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế bình quân đạt 90%...
Diện mạo nông thôn huyện An Phú ngày càng khởi sắc, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn đã đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các trường học đảm bảo điều kiện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ cơ sở được phát huy… Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng cho biết, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện có 16 ấp của 5 xã được công nhận đạt chuẩn ấp NTM, đạt tỷ lệ 70%.
Bên cạnh kết quả đạt được, tiến độ xây dựng NTM ở huyện An Phú còn gặp khó do bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mới; chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự đột phá. Việc liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã được hình thành bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định, nhưng mối liên kết vẫn còn thiếu bền vững... Đoàn công tác Tỉnh ủy vừa giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 ở huyện An Phú. Các thành viên trong đoàn đánh giá cao nỗ lực của An Phú trong lộ trình thực hiện NTM.
Tuy nhiên, bình quân tiêu chí đạt còn thấp (khoảng 11,7 tiêu chí/xã). Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tấn Rạng mong muốn huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết để xây dựng NTM đạt theo lộ trình. Trong đó, cần quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện tiêu chí quy hoạch; đẩy mạnh kết nối, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; hỗ trợ hộ nghèo phát triển và giải ngân nguồn vốn đảm bảo theo quy định.
Phấn đấu đến cuối giai đoạn 2021 - 2025, xã Quốc Thái hoàn thành xã NTM và xã Khánh Bình đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Để thực hiện đạt theo lộ trình đề tra, UBND huyện An Phú kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; sớm hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ Quốc Thái; hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu khám điều trị bệnh từ xa..
|
HỮU HUYNH