Trong những năm gần đây, chế độ ăn Ketogenic (thường gọi tắt là Keto) được rất nhiều người giảm cân ưa chuộng, bởi chỉ cần điều chỉnh thói quen ăn uống là bạn có thể đạt được mục tiêu giảm cân.
Chế độ ăn Ketogenic là một kiểu ăn uống ít carb và nhiều chất béo, tức là ăn ít hoặc không ăn carbohydrate, thay vào đó ăn một lượng vừa phải protein và ăn nhiều chất béo.
Chế độ ăn kiêng này ban đầu được sử dụng để làm giảm chứng động kinh ở trẻ em và giảm cường độ phát bệnh ở trẻ em bị động kinh, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó cũng có thể giúp giảm cân.
Chế độ ăn Ketogenic là một kiểu ăn uống ít carb và nhiều chất béo.
Chế độ ăn Ketogenic để giảm cân là gì?
Nguyên tắc của chế độ ăn Ketogenic là khiến cho lượng carbohydrate nạp vào cực thấp, cơ thể chỉ được cung cấp năng lượng thông qua phân giải glycogen dự trữ trong gan và cơ. Sau khi glycogen bị tiêu hao hoàn toàn, cơ thể sẽ sử dụng chất béo để chuyển hóa và phân giải, tạo ra nhiều ceton để cung cấp năng lượng cần thiết.
Nói một cách đơn giản, các ceton thay thế glucose cung cấp năng lượng cho cơ thể; nếu không có sự kích thích của glucose, mức độ bài tiết insulin sẽ giảm, làm cản trở con đường đồng hóa chất béo.
Do quá trình phân giải chất béo diễn ra liên tục, cộng với việc không thể tổng hợp mô mỡ nên hàm lượng chất béo trong cơ thể bị giảm xuống, từ đó đạt được mục đích giảm cân.
Áp dụng chế độ ketogenic kéo dài có thể gây ra những nguy cơ nào?
1. Suy giảm chức năng đường ruột
Hàm lượng chất xơ thấp trong chế độ ăn Ketogenic không có lợi cho đường ruột, từ đó có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Áp dụng chế độ Ketogenic kéo dài có thể làm suy giảm chức năng đường ruột, dẫn đến táo bón và kém hấp thu chất dinh dưỡng.
2. Giảm khả năng sửa chữa mô trong cơ thể
Khi protein được sử dụng trong cơ thể, chế độ ăn Ketogenic khiến quá trình ketosis thay đổi, cơ thể phân bổ nhiều protein hơn cho quá trình gluconeogenesis và chỉ có một lượng nhỏ được dùng cho việc sửa chữa mô.
3. Dễ gây suy dinh dưỡng
Hậu quả của việc hoàn toàn không ăn tinh bột dẫn đến tình trạng mất cân đối dinh dưỡng, thức ăn thiếu vi chất dinh dưỡng trong cơ thể về lâu dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
4. Gây sỏi thận
Chế độ ăn Ketogenic có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và chế độ ăn Ketogenic giàu protein cũng có thể đẩy nhanh sự tiến triển của tình trạng suy thận hoặc nhiễm độc niệu ở những bệnh nhân bị bệnh thận.
5. Gây nhiễm ceton
Việc tích tụ quá nhiều ceton trong máu dễ dẫn đến nhiễm toan ceton, gây buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, choáng váng, mất nước, buồn ngủ, trong miệng có mùi hôi, thậm chí gây hôn mê và thiếu oxy não.
6. Gây ra bệnh tim mạch
Chế độ ăn Ketogenic tiêu thụ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến dư thừa axit béo bão hòa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đối với những người béo phì, đặc biệt là những người khó giảm cân, có thể thử chế độ ăn Ketogenic trong thời gian ngắn dưới sự giám sát của bác sĩ, sau đó chuyển dần sang chế độ ăn cân bằng bình thường khi đạt được mục tiêu giảm cân.
Để giảm cân, bạn cũng nên kiểm soát chế độ ăn uống một cách khoa học và lành mạnh, áp dụng các phương pháp nấu ăn như hấp, hầm hoặc làm salad, tránh xa các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều calo và đường, ít ăn vặt.
Theo LAN HƯƠNG (VTC News/Family Doctor)