Lần thứ nhất, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông Hùng và bà B. vào năm 1989 tại Sóc Trăng đã khiến 2 gia đình họ tan nát, khiến ông Th. phải xa rời người mẹ ruột của mình. Tình cảm phát sinh, cả 2 bỏ mặc gia đình cũ, cùng chung sống với nhau như vợ chồng tại Phú Quốc (Kiên Giang). Khi ấy, bà B. đã có 3 người con với chồng trước, còn ông Hùng cũng đã có 2 đứa con trai với vợ cũ. Đến với nhau, bất chấp mọi dị nghị của người đời, họ có thêm 2 con chung.
Những tưởng họ sẽ trân quý hạnh phúc khó khăn lắm mới tạo dựng được. Nào ngờ, đến năm 2001, họ phát sinh mâu thuẫn. Do làm ăn thua lỗ, phải bán đất trả nợ, ông Hùng nghi ngờ bà B. ngoại tình, lấy tiền bán đất tiêu xài. Họ cắn đắng nhau, đến mức không thể chịu nổi, bà B. quyết định chia tay, lặng lẽ trở về sống với con gái riêng tên Nguyễn Thị Tô Ch. (em ông Th.) ở ấp Phú An, xã Tây Phú (nay là ấp Phú Bình, xã An Bình, Thoại Sơn).
Bà tâm sự với con rằng, ông Hùng thường xuyên ghen tuông, đánh đập nên bà không muốn sống chung nữa. Ông Hùng tìm khắp nơi, được người quen báo tin nên hai lần đến nhà, năn nỉ bà B. quay lại, nhưng đều bị khước từ thẳng thừng.
Bị cáo Trịnh Văn Hùng
Ngày 29-12-2002, khi cơn ghen giận lên đến cực điểm, ông Hùng nhờ người thuê đối tượng tên Minh (giá 500.000 đồng) đem theo 1,5 lít acid, tìm đến nơi bà B. đang ở, nhằm “hủy hoại nhan sắc” bà. Đêm khuya, khi mọi người say giấc, Minh lẻn vào nhà, tạt acid vào giường ngủ của bà B. rồi tẩu thoát.
Đớn đau thay, lúc ấy cháu Đoàn Thị Thúy Đ. (cháu ngoại bà B.) cũng đang ngủ bên cạnh, hứng trọn đòn ghen độc địa của người lớn. Hậu quả, Đ. bị bỏng acid gây biến dạng, để lại di chứng nặng nề vùng mặt và rải rác cẳng tay phải, hư và chít hẹp hoàn toàn mắt phải, tỷ lệ thương tật 68%.
Khi ấy, Đ. mới 6 tuổi, buộc phải nghỉ học, sống ở nhà phụ thuộc cha mẹ đến hôm nay! Riêng bà B. bị bỏng acid 20% độ II, III toàn thân, chống chọi tới ngày 10-2-2003 tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).
Đó là lần thứ 2 ông Hùng mang đến ấn tượng nặng nề cho ông Th. Vừa thương mẹ, thương cháu, nỗi căm hận người đàn ông bạc tình dâng lên cực điểm trong lòng ông Th. Tuy không nhìn thấy kẻ trực tiếp ra tay, nhưng gia đình ông Th. khẳng định, sự việc liên quan mật thiết đến ông Hùng. Trong khi họ hàng ngày phải tích cực điều trị, đối diện với thương tật và khổ sở vô cùng của bà B., bé Đ., thì ông ta lại hoàn toàn mất dấu.
Không dám đương đầu với những gì mình đã gây ra, ông Hùng bỏ trốn về Phú Quốc. Lo xa, ông ta gọi điện thoại cho người vợ trước, dặn bà “đi ngủ nhớ khóa cửa để tránh người khác trả thù”. 2 tháng sau, nghe thông tin bản thân bị truy nã, bà B. đã mất, cháu ngoại bà bị thương tật nặng nề, ông ta nhanh chóng dẫn 2 con chung của mình và bà B. về quê ở tỉnh Trà Vinh, gửi cho người thân chăm sóc.
Rồi ông ta lẩn trốn đến nhiều địa phương khác sinh sống bằng nghề làm thuê, với tên gọi Huỳnh Bá Tư. Ông ta lấy giấy chứng minh nhân dân nhặt được, gắn ảnh mình vào để sử dụng. Ngày 12-5-2017, ông ta về thăm quê ở huyện Cầu Kè thì bị bắt. Hơn 15 năm sống chui sống nhủi, không biết lương tâm ông ta có giây phút nào ray rứt vì tội ác mình đã gây ra?
Lần ấn tượng thứ 3, ông Th. và ông Hùng chính thức gặp nhau, vào thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích”. Lúc này, ông Hùng phải đứng vào vị trí bị cáo, còn ông Th. là người đại diện hợp pháp cho mẹ ruột đã mất của mình. Ông Hùng cứ liên tục đổ tội cho ông Võ Hoàng V. (cha nuôi, đã mất năm 2009), cho rằng đã bàn bạc và được người này trực tiếp thuê Minh tạt acid bà B.
Mặt khác, ông ta không rõ tung tích và nhân thân của Minh, nên mọi tội danh không còn ai đối chứng. Rồi ông ta lại đổ tội cho người vợ đã mất, cho rằng bà gây nợ, ngoại tình, phản bội ông. Hầu như ông không muốn nhìn thẳng vào sự thật rằng, chính ông đã hại chết bà, đã làm hủy hoại cuộc sống và dung mạo một bé gái vô tội, mang đến vô số khổ sở cho người xung quanh!
Trải qua ngần ấy chuyện, ông Th. vẫn lễ phép gọi ông Hùng là “cậu hai”, vẫn xin giảm nhẹ hình phạt để ông Hùng sớm trở về. Những lời tâm sự của ông Th. khiến người nghe nhói lòng: “Tự trong lòng chúng tôi, ai nấy đều cố gắng chấp nhận “cậu hai”, xem ông là cha dượng của mình, nếu không có 3 lần ấn tượng này. Chưa kể, trước khi mất, mẹ tôi trăn trối: dù thế nào, chúng tôi cũng phải tìm gặp 2 em cùng mẹ khác cha để chăm sóc, bảo bọc chúng, bởi chúng vô tội, lại là máu mủ tình thâm. Tôi hy vọng, nếu còn gặp lại lần thứ 4, giữa chúng tôi và “cậu hai” sẽ không còn bất kỳ tổn thương nào tồn tại nữa!”.
Ở tuổi 68, ông Hùng đã mất 15 năm trốn chạy, lại tự cộng thêm cho mình 18 năm tù. Nước mắt vẫn còn rơi đâu đó trên gương mặt của người trong cuộc, nhưng chẳng biết có thấm vào trái tim khô cằn của ông ta?
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG